Theo số liệu cập nhật sáng ngày 17/6 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 16/6, phụ tải toàn hệ thống điện tiếp tục tăng cao đạt 861,3 triệu kWh.
Trong đó, miền Bắc ước khoảng 413,7 triệu kWh, miền Trung khoảng 69,2 triệu kWh, miền Nam khoảng 377,8 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14h30 mức 41.569,1 MW.
Lưu lượng về các hồ chứa điện vẫn còn thấp
Về tình hình vận hành hồ thủy điện, theo báo cáo nhanh của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) sáng 17/6, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện vẫn còn thấp và giảm nhẹ so với ngày hôm qua, riêng khu vực duyên hải Nam Trung Bộ tăng nhẹ so với ngày hôm qua
Cụ thể, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng nhẹ; khu vực Đông Nam Bộ mực nước dao động nhẹ, vẫn ở mực nước thấp; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ giảm nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về.
Các nhà máy khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này và dự báo lượng nước về các hồ thấp trong thời gian tới.
Một số hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết như Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3; Một số hồ mực nước thấp: Sơn La, Hủa Na. Có 8 nhà máy thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ trong 24 giờ tới các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên tăng nhẹ; mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên tăng nhẹ, ở mức thấp.
51 dự án năng lượng tái tạo đã được Bộ Công Thương duyệt giá
Theo số liệu của VNE cập nhật đến ngày 16/6, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện
Trong đó, 59 dự án với tổng công suất 3211,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án.
Hiện, 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 16/6, đạt khoảng 38,59 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 35 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Như vậy, hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 942,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.