Theo Bloomberg, đế chế hàng hiệu LVMH đang đe dọa vị trí thứ 9 của hãng xe điện Tesla (Mỹ) trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới (tính theo giá trị vốn hóa thị trường). Gã khổng lồ Pháp vừa lọt vào top 10 tập đoàn giá trị nhất toàn cầu cách đây vài ngày.
Kể từ đầu tháng này, cổ phiếu của LVMH đã tăng 6,9% nhờ doanh số bán hàng trong quý đầu năm cao hơn dự kiến. Giá trị vốn hóa thị trường của LVMH hiện đạt khoảng 500 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp châu Âu cán mốc này.
Cùng kỳ, giá cổ phiếu Tesla sụt giảm 23% vì lợi nhuận lao dốc nghiêm trọng. Giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện Mỹ giảm còn 505 tỷ USD.
Tesla lao đao
Tài sản của ông Bernard Arnault - người đứng sau LVMH - đã vượt xa tỷ phú xe điện Elon Musk. Ông là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản gần 212 tỷ USD. Trong khi đó, Musk nắm giữ 165 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 2.
Tình hình đã thay đổi so với hồi cuối năm 2021. Thời điểm đó, Musk là tỷ phú đầu tiên sở hữu 300 tỷ USD. Ông vượt xa người giàu thứ nhì thế giới là Jeff Bezos với chênh lệch tài sản lên tới hơn 100 tỷ USD.
Trong quý I năm nay, doanh thu của Tesla đạt 23,33 tỷ USD, cao hơn một chút so với ước tính 23,21 tỷ USD của giới quan sát. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2,51 tỷ USD.
Theo CNBC, trong cuộc họp cổ đông, Tesla thừa nhận rằng việc "khai thác các nhà máy mới kém hiệu quả" đã chèn ép lợi nhuận. Cùng với đó là chi phí bảo hành, nguyên vật liệu, hàng hóa và hậu cần gia tăng. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tín dụng carbon sụt giảm. Tất cả đều góp phần làm giảm lợi nhuận của tập đoàn.
Dẫn dắt đà tăng của chứng khoán Pháp
Ở chiều ngược lại, khi triển vọng kinh tế xấu đi, lãi suất và lạm phát tăng cao trên toàn cầu, các startup công nghệ lao đao, nhưng nhu cầu đối với những mặt hàng xa xỉ vẫn ổn định.
Năm ngoái, tập đoàn LVMH của Arnault đạt doanh thu 79,2 tỷ euro. Trong đó, Louis Vuitton được coi là con gà đẻ trứng vàng với doanh thu hơn 20 tỷ euro, chiếm hơn 25% tổng doanh thu của tập đoàn.
Bước sang quý đầu tiên của năm nay, gã khổng lồ hàng xa xỉ ghi nhận doanh thu 21 tỷ euro, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ lớn - gỡ bỏ các hạn chế chống dịch đã giúp thúc đẩy doanh thu của LVMH.
Ông Arnault sinh năm 1949 tại thị trấn Roubaix thuộc miền Bắc nước Pháp. Ông từng theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Ecole Polytechnique trước khi về làm việc tại công ty xây dựng gia đình.
Năm 27 tuổi, ông thuyết phục cha bán mảng xây dựng của công ty để tập trung kinh doanh bất động sản. Đến năm 1984, ông Arnault mua Boussac Saint-Freres, một công ty dệt may có quy mô lớn gấp 20 lần doanh nghiệp gia đình ông, sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior và trung tâm mua sắm Le Bon Marche.
Ông Arnault bỏ 15 triệu USD tiền túi và huy động thêm 80 triệu USD để mua Boussa, sau đó bán phần lớn tài sản công ty, chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche.
Năm 1987, nhà mốt Louis Vuitton sáp nhập với Moët Hennessy, trở thành LVMH. Ông Arnault chính là người hòa giải mối hiềm khích giữa CEO Alain Chevalier của Moët Hennessy và Chủ tịch Louis Vuitton Henri Racamier. Đến năm 1988 và 1989, ông Arnault chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm 43,5% cổ phần LVMH.
Theo Bloomberg, đối với thị trường chứng khoán châu Âu, LVMH và các tập đoàn xa xỉ của Pháp, được ví như Big Tech (những gã khổng lồ công nghệ) của thị trường Mỹ, là các công ty dẫn dắt ngành công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ngay cả khi nền kinh tế suy yếu.