Apple, Huawei và Xiaomi đã đạt 100 triệu nhân dân tệ doanh thu sau khi tung ra các ưu đãi giảm giá. Ảnh: Business Insider.
Ở Trung Quốc, hàng loạt tên tuổi đình đám như Apple, Huawei, Xiaomi đang đua nhau giảm giá để thu hút người dùng trong lễ hội mua sắm 11/11. Các nhà sản xuất này hy vọng sẽ vực dậy thị trường smartphone vốn ảm đạm, sụt giảm đến hơn hai con số trong quý III.
Apple, Huawei, Xiaomi đua nhau giảm giá
Will Wong, nhà phân tích tại công ty IDC, cho biết các mặt hàng điện tử trong đợt khuyến mãi Lễ độc thân ngày 11/11 năm nay nhận được rất nhiều ưu đãi hấp dẫn và giảm sâu hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông, những chiến dịch bán hàng trong các ngày hội mua sắm thường niên như 11/11 hay 16/8 sẽ giúp các đại lý di động kích cầu mua sắm trong nước và dọn sạch lượng hàng còn tồn kho.
Theo SCMP, Apple là hãng ít khi đưa ra ưu đãi. Nhưng đến mùa mua sắm, hãng công nghệ Mỹ đã mạnh tay giảm 550 nhân dân tệ (76 USD) cho một vài thiết bị như iPhone 14 trên sàn thương mại điện tử Tmall và khuyến mãi hơn 800 nhân dân tệ (111 USD) đối với iPhone 13 trên trang JD.com.
11/11 là Lễ hội mua sắm thường niên tại Trung Quốc. Ảnh: AP.
Một nhân viên tại cửa hàng Huawei ở tỉnh Thâm Quyến cho biết giá bán của một số mẫu điện thoại cả hình thức truyền thống và trực tuyến đều chạm mốc “thấp nhất lịch sử”. Mẫu flagship Huawei P50 từng có giá 4.488 tệ nay chỉ được giảm 730 tệ (100 USD). Ra mắt từ tháng 7, đây là smartphone đầu tiên của hãng công nghệ chạy hệ điều hành HarmonyOS 2 tự phát triển.
Honor, thương hiệu điện thoại giá rẻ của Huawei, cũng đưa ra mức ưu đãi tương tự trên các cửa hàng truyền thống và trực tuyến mặc dù là nhà sản xuất chiếm thị phần lớn thứ 2 tại Trung Quốc, IDC cho biết.
Trong khi đó, một số dòng sản phẩm của Xiaomi, top 5 hãng công nghệ của nước này, cũng giảm lên đến 1.000 tệ vào lễ hội mua sắm độc thân năm nay.
Nhờ đó, chỉ vài phút sau khi các ưu đãi giảm giá trước ngày 11/11 được tung ra, các hãng công nghệ như Apple, Huawei và Xiaomi đã đạt 100 triệu nhân dân tệ doanh thu tính đến ngày 31/11.
Kích cầu mua sắm
Theo SCMP, khách hàng không chỉ nhận được sự kiện giảm giá đến từ các nhãn hàng, trợ cấp chính phủ cũng đưa đến mức ưu đãi hấp dẫn trong Lễ Độc thân. Đơn cử như Thâm Quyến, thành phố công nghệ bậc nhất Trung Quốc, đã đưa ra các gói trợ cấp, giúp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng điện tử như smartphone, laptop và drone.
Khách hàng sẽ được giảm giá lên đến 15%, tối đa 2.000 nhân dân tệ/người khi mua các sản phẩm này. Ưu đãi trong lễ hội mua sắm 11/11 tại Trung Quốc chính là cơ hội để kích cầu tiêu dùng nội địa giữa bối cảnh giãn cách vì Covid-19 và nền kinh tế bấp bênh, SCMP nhận định.
Các thương hiệu tung ra hàng loạt ưu đãi, hấp dẫn người dùng. Ảnh: Bloomberg.
Trong một khảo sát của Newsweek, 40% trong số 2.300 khách hàng cho biết họ đã cắt giảm chi tiêu mua sắm vào ngày 11/11. Họ đã giảm 30% mức chi cho các mặt hàng giảm giá so với năm trước.
Do đó, khuyến mãi đến từ cửa hàng sẽ thu hút sức mua đến từ các khách hàng đang đợi mức giá tốt, nhà phân tích của IDC nhận định. Theo chuyên gia, tình hình kinh tế ảm đạm và chính sách Zero Covid đã khiến người dùng cẩn trọng hơn mỗi khi mua sắm vào lễ hội giảm giá và dần chi tiết cho các mặt hàng gia dụng, ăn uống hơn là điện tử.
Dữ liệu từ IDC cho biết sản lượng smartphone ở Trung Quốc đạt 71,1 triệu thiết bị, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng điều tích cực là mức giảm này vẫn không tệ bằng hai quý trước đó. Trong khi đó, báo cáo của Counterpoint Research đã chỉ ra doanh số điện thoại ở quốc gia này đã giảm 12,4% trong quý III do nền kinh tế đi xuống và khả năng tiêu thụ thấp.
Song, quý IV sắp tới sẽ khởi sắc hơn hơn khi hàng loạt ưu đãi đến từ thương hiệu được tung ra. “Điều này sẽ giúp vực lại thị trường và hạn chế mức giảm doanh thu trong quý IV hết mức có thể”, nhà phân tích Counterpoint Research nhận định.
Với Apple, đây có thể không phải là một tín hiệu tốt vì đợt bùng phát Covid-19 ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trung Quốc khiến sản lượng iPhone 14 Pro/Pro Max bị sụt giảm nghiêm trọng.