Theo Vox, bước vào mọi cơ sở bán thực phẩm ở Mỹ, chúng ta sẽ nhận ra lý do đây là một trong những quốc gia có tốc độ béo phì nhanh nhất thế giới. Từ những chiếc bánh nướng xốp buổi sáng đến cupcake phủ kem, người tiêu dùng có thể dễ dàng ăn uống quá độ tại Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã áp dụng một số biện pháp can thiệp và trong số đó, cuộc chiến đánh thuế nước ngọt vẫn đang diễn ra gay gắt, theo Guardian.
Những người ủng hộ lập luận việc tăng giá đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Với những người phản đối, đây chỉ là mức giá khác áp lên nhóm có ít khả năng chi trả nhất.
Trong nhiều năm qua, các nghiên cứu về vấn đề này còn cho kết quả khác nhau. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng chỉ đánh thuế đồ uống có đường thôi chưa đủ mà cần mở rộng phạm vi đánh thuế với đồ ăn không lành mạnh.
Cần cách tiếp cận rộng hơn
Giới nghiên cứu y tế và các quan chức từ lâu đã muốn đánh thuế đồ ăn vặt nhưng cho đến nay, họ tập trung chủ yếu vào đồ uống có đường.
Đồ uống có đường là khởi đầu cho sự can thiệp của chính phủ Mỹ vào môi trường thực phẩm, vì có rất nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa đồ uống có đường và bệnh liên quan tới chế độ ăn uống. Ngoài ra, đồ uống có đường còn được cho là thứ dễ thay đổi trong thực đơn hàng ngày của mỗi người.
Tháng 12/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố bản hướng dẫn đầu tiên về chính sách thuế với đồ uống có đường (SSB). Tính đến nay, ít nhất 85 quốc gia đã áp dụng một số loại thuế này nhằm giảm lượng đường tiêu thụ mỗi năm, theo Obesity Evidence Hub.
Tại Vương quốc Anh, thuế SSB được áp dụng từ tháng 4/2018. Đây là loại thuế hai tầng đánh vào các nhà sản xuất theo hàm lượng đường trong đồ uống. Đồ uống chứa hơn 8 g đường/100 ml bị đánh thuế 0,29 USD/lít, còn đồ uống chứa 5-8 g đường/ml bị đánh thuế 0,22 USD/lít.
Liệu thuế đồ uống có đường có hiệu quả không là câu hỏi quan trọng. Tính riêng tại Mỹ, đồ uống có đường là nguồn bổ sung đường lớn nhất trong chế độ ăn của người dân nước này. Nhiều nghiên cứu liên kết loại đồ uống này với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư và các vấn đề về tim.
Tuy nhiên, chỉ xem xét thức uống có đường thôi là chưa đủ.
Trong bài đăng năm 2018 trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học New York và Tufts lập luận rằng thuế đồ ăn vặt - với các loại thực phẩm “không thiết yếu” như kẹo, nước ngọt và khoai tây chiên - sẽ là bước tiến tiếp theo trên phương diện sức khỏe cộng đồng.
Các tác giả nói giới chức cần suy nghĩ rộng hơn.
“Điều quan trọng là cần thảo luận về chế độ ăn kiêng tổng thể, chứ không chỉ loại bỏ đồ uống có đường”, Jennifer Pomeranz - luật sư y tế công cộng tại Đại học New York và tác giả chính của bài báo - cho biết.
Barry Popkin - nhà nghiên cứu chính sách dinh dưỡng của Đại học North Carolina, chỉ ra người dân “có thể dành 5-7% ngân sách thực phẩm chi tiêu vào đồ uống có đường, nhưng chúng ta dành 15-20% cho đồ ăn vặt. Nếu lấy ví dụ một quốc gia như Mỹ, thì 33-57% lượng calo mà thanh thiếu niên nhận được là từ đồ ăn vặt”.
Do đó, đây là lý do thuế đồ ăn vặt là “mục tiêu tiếp theo trên toàn cầu”, theo ông Popkin.
Một số quốc gia đã và đang đi theo hướng này, áp đặt các loại thuế không chỉ làm thay đổi giá soda, mà còn của các loại thực phẩm không lành mạnh khác.
Năm 2011, Hungary áp thuế 4 cent với thực phẩm và đồ uống đóng gói có chứa hàm lượng đường và muối cao trong một số loại sản phẩm, gồm nước ngọt, kẹo, đồ ăn nhẹ mặn, gia vị và mứt trái cây.
Vào năm 2013, Mexico thông qua mức thuế 8% với thực phẩm gồm đồ ăn nhẹ, kẹo, bơ hạt, các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc - tất cả loại thực phẩm “không thiết yếu”. Trong danh mục này, thực phẩm vượt quá ngưỡng 275 calo/100 gam sẽ bị đánh thuế.
Các nghiên cứu chỉ ra thuế đồ ăn vặt đã tác động và thay đổi thói quen ăn uống của mọi người theo chiều hướng tốt hơn. Trong đó, WHO cũng thực hiện báo cáo xem xét động thái ở Hungary và nhận thấy mức tiêu thụ đồ ăn vặt giảm cả do giá tăng và các chiến dịch giáo dục về thuế.
Trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ, một nghiên cứu chỉ ra rằng mô hình tại Hungary là lý tưởng vì nó xem xét giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, thay vì chỉ chú ý tới hàm lượng calo. Điều này cũng tác động tới các nhà sản xuất đồ ăn vặt ở Hungary, khiến khoảng 40% điều chỉnh công thức theo hướng lành mạnh hơn.
“Nếu đưa một số tiêu chí dinh dưỡng vào thuế, như đường, natri và chất béo chuyển hóa, thì sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất cải tiến công thức sản phẩm”, bà Pomeranz giải thích.
Doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt có thể được dành cho ngân sách khác, như y tế. Theo báo cáo của WHO, trong 4 năm đầu tiên hoạt động, thuế này đã mang lại cho Hungary 219 triệu USD để chi tiêu vào y tế công cộng.
Ngoài ra, phát hiện quan trọng khác từ các nghiên cứu tại Mexico và Hungary là thuế đồ ăn vặt dường như có tác động lớn nhất tới nhóm thu nhập thấp và người tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt trước khi áp thuế.
“Chúng tôi nghĩ những người tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt hoặc nước có ga là nhóm phản ứng nhanh nhất với các loại thuế này”, Lindsey Smith Taillie - nhà dịch tễ học dinh dưỡng của Đại học North Carolina - cho biết.
Những người có thu nhập thấp có xu hướng tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt nhất và cũng có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến chế độ ăn uống cao nhất. Dù đánh thuế sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới nhóm này, cách làm ấy sẽ giúp họ tránh xa đồ ăn vặt, bà Smith Taillie giải thích.
Mặc dù còn quá sớm để kết luận liệu thuế đồ ăn vặt có hạn chế béo phì hoặc tiểu đường không, theo Vox, thông qua việc tăng giá và các chiến dịch giáo dục về thuế, thuế đồ ăn vặt dường như đã thúc đẩy người dân bớt tiêu thụ những sản phẩm này.
Không phải hướng giải quyết mọi vấn đề
Dẫu vậy, ngay cả những người ủng hộ thuế đồ ăn vặt cũng không cho rằng đây là hướng giải quyết mọi vấn đề. Người tiêu dùng không chỉ mua đồ ăn vặt vì giá thấp, mà còn từ sức mạnh tiếp thị của tập đoàn đa quốc gia, thiết kế sản phẩm thu hút mọi người.
Một vấn đề khác khiến mọi thứ phức tạp hơn chính là vấn đề về nguồn cung. Các nhà nghiên cứu chỉ ra nếu người Mỹ thực sự bắt đầu ăn đủ lượng rau củ theo khuyến nghị, thị trường sẽ không có đủ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tính đến năm 2013, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, khoai tây và cà chua chiếm một nửa số loại đậu và rau có sẵn ở quốc gia này. Mặt khác, đồ ăn vặt rất phong phú và rẻ.
Washington Post chỉ ra rằng việc sản xuất rau đắt và tốn nhiều công sức hơn nên điều này cũng làm tăng giá của những sản phẩm này.
Marc Bellemare - nhà kinh tế học tại Đại học Minnesota - lưu ý người Mỹ yêu thích sự tiện lợi bất kể giá cả, và điều này thúc đẩy họ lựa chọn thực phẩm.
“Đây là nền văn hóa thể hiện rõ mọi thứ phải thuận tiện”, ông Bellemare nói. Đồ ăn vặt có xu hướng dễ tiêu thụ hơn trái cây và rau quả.
Vì vậy, thay vì chỉ áp thuế với đồ ăn vặt, giới chức cần phải làm cho thực phẩm lành mạnh trở nên tiện lợi và có giá cả phải chăng, đồng thời giáo dục mọi người về hiệu quả của chúng.
“Ngày càng nhiều người đồng ý rằng một loại thuế duy nhất không đủ để thay đổi vấn đề sức khỏe. Chúng ta cần gói giải pháp chính sách: Đánh thuế soda, thuế đồ ăn vặt, dán nhãn cảnh báo trên bao bì, giảm thời lượng quảng cáo thực phẩm không lành mạnh. Thuế đồ ăn vặt sẽ là cơ chế bổ sung”, bà Taillie - nhà dịch tễ học dinh dưỡng từ Đại học North Carolina - kết luận.