Xung đột giữa Elon Musk và Apple diễn ra và khép lại nhanh chóng chỉ trong một tuần. Hôm 28/11, ông chủ Twitter tỏ ra bất bình khi tập đoàn công nghệ cắt quảng cáo trên Twitter, dọa cấm Twitter trên App Store, đồng thời chỉ trích khoản chia sẻ lợi nhuận 30% của họ.
Vị tỷ phú thậm chí đặt nghi vấn liệu Táo khuyết có thù hằn với tự do ngôn luận hay không và cho rằng nạn nhân tiếp theo có thể sẽ là công ty xe điện Tesla của mình.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày, Musk được Tim Cook mời đến trụ sở Apple. CEO Apple xác nhận không có kế hoạch loại bỏ Twitter khỏi App Store. Đến hôm 3/12, trong buổi phát trên tính năng Twitter Spaces, Elon Musk cho biết Apple lại khôi phục toàn bộ quảng cáo trên Twitter.
Apple là “cần câu cơm” của Twitter
Theo Bloomberg, công khai chỉ trích Apple tức là Musk đang tuyên chiến với tập đoàn có khả năng quyết định số mệnh của Twitter. Apple hiện là một trong những đối tác quảng cáo quan trọng nhất, mang lại hơn 100 triệu USD doanh thu quảng cáo cho nền tảng mạng xã hội.
Cụ thể, Washington Post cho biết trong quý I/2022, Táo khuyết đã chi 48 triệu USD để mua quảng cáo trên Twitter, trở thành đối tác lớn nhất của mạng xã hội. Số tiền này chiếm hơn 4% tổng doanh thu của công ty trong quý đó.
Do đó, để duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với tập đoàn công nghệ Mỹ, Twitter còn sở hữu cả một đội ngũ chỉ chuyên thương thảo với họ, một nguồn tin nội bộ cho biết.
Tuy nhiên kể từ khi Musk thâu tóm Twitter, Apple dần hạn chế mua quảng cáo trên mạng xã hội này. Theo dữ liệu của công ty phân tích Pathmatics, khoản chi quảng cáo trên Twitter từ ngày 10-16/11 đạt 131.600 USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 220.800 USD vào 16-22/10 trước khi Musk mua lại Twitter.
“Elon Musk đã quá liều lĩnh và rất có thể Apple sẽ không bỏ qua điều này”, Lou Paskalis, giám đốc marketing và truyền thông, nhận định.
Bên cạnh đó, Apple còn mở ra một cánh cổng lớn, đưa Twitter đến gần người dùng thông qua kho ứng dụng App Store. Vì thế, nếu Twitter bị cấm cửa khỏi App Store, ứng dụng sẽ không thể tiếp cận hơn 1,5 tỷ thiết bị sử dụng hệ sinh thái Apple trên toàn cầu.
Người dùng iPhone, iPad sẽ không thể tải ứng dụng Twitter và những người dùng hiện sử dụng mạng xã hội cũng không thể cập nhật phần mềm. Điều này sẽ càng đè nặng áp lực lên Twitter sau sự kiện hàng loạt đối tác quảng cáo rời khỏi nền tảng, nhân viên ồ ạt nghỉ việc và sự giám sát của chính phủ về kế hoạch tự do ngôn luận của Elon Musk.
Song, vị tỷ phú cũng chiếm một phần lợi thế nếu thật sự tuyên chiến với Táo khuyết, Bloomberg nhận định. Quan điểm thúc đẩy tự do ngôn luận và chỉ trích mức phí 30% của ông sẽ được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có cả những lập trình viên, nhà lập pháp và chính quyền các nước.
Ở chiều ngược lại, Apple cũng phụ thuộc vào Twitter vì họ không mua quảng cáo trên Facebook. Tập đoàn Mỹ thường gặp mặt nhóm lãnh đạo Twitter mỗi tuần để giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc giữa hai bên. CEO Tim Cook cũng tiếp tục sử dụng Twitter ngay cả khi mạng xã hội đã về tay Elon Musk.
Elon Musk đã nhiều lần gây hấn với Apple
Về phía CEO Tesla, ông từng dọa rằng sẽ tự tạo ra một chiếc smartphone của riêng mình nếu Apple và Google dám xóa Twitter khỏi kho ứng dụng. Ý tưởng này đã được rất nhiều người ủng hộ, khiến “điện thoại Tesla” trở thành từ khóa nổi bật trên Twitter hôm 28/11.
Người đàn ông giàu nhất hành tinh còn thẳng thắn chỉ trích Apple vì thu phí vô lý. Ông liên tiếp đăng tải một loạt meme có hàm ý lên án Táo khuyết, trong đó nổi bật là một bức ảnh có nội dung thay vì chấp nhận đóng thuế 30%, vị tỷ phú chọn cách "gây chiến".
Điều này ám chỉ ông có thể sẽ học theo Epic Games, hãng game từng kiện Apple ra tòa bởi chính sách thu phí vô lý. Bloomberg cho rằng vị tỷ phú sẽ bán dịch vụ Twitter Blue qua đường dẫn bên ngoài để tránh nộp 30% phí cho Apple.
Nhưng vấn đề là nếu Twitter rêu rao các lách luật này trong ứng dụng hay bổ sung thêm nút bấm mới, dẫn người dùng đến website thanh toán bên ngoài, Apple sẽ dễ dàng “tóm gáy” và xóa mạng xã hội khỏi App Store.
Trong một bài đăng khác, vị tỷ phú gọi Apple và Google là hai kẻ chiếm vị trí độc quyền trên thị trường kho ứng dụng điện thoại. Quan điểm này đã được Hạ nghị sĩ Ken Buck thuộc bộ phận chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ủng hộ và chia sẻ lại trên trang cá nhân, yêu cầu hai hãng công nghệ chấm dứt thế độc quyền này trước năm 2023. “Không ai có quyền chiếm giữ sức mạnh lớn như vậy trên thị trường”, ông nói.
Ngược lại, Apple cũng nhiều lần nhấn mạnh về những quy định khắt khe trên kho ứng dụng, cấm tất cả nội dung gây khó chịu như phân biệt chủng tộc, tôn giáo và xu hướng tính dục hay gắn cờ những sản phẩm mang tính bạo lực, khiêu dâm.
Trước đó, Apple và Google từng mạnh tay xóa sổ các mạng xã hội nếu không tuân thủ quy định của họ. Đơn cử như Parler từng bị chặn khỏi tất cả kho ứng dụng vì chứa nội dung kích động bạo lực. Mạng xã hội này sau đó đã phải cam kết kiểm duyệt nội dung chặt chẽ mới được khôi phục trên các nền tảng.
Tim Cook khôn khéo
Với thái độ ban đầu của Elon Musk, điều bất ngờ là Tim Cook đã dàn xếp ổn thỏa mọi lùm xùm chỉ trong hai ngày. Ông đã mời Elon Musk đến trụ sở Apple nhằm giảm bớt sự căng thẳng của hai công ty. "Cuộc gặp gỡ diễn ra rất tốt đẹp. Chúng tôi đã giải quyết sự hiểu lầm về việc Twitter có khả năng bị xóa khỏi App Store”, Musk viết trên Twitter sau cuộc gặp gỡ.
Chia sẻ với Financial Times, một nhân viên kỳ cựu suốt 10 năm tại Apple nói rằng ông không hề ngạc nhiên với cách giải quyết của Tim Cook. “Chắc chắn Tim Cook đã thu phục Elon Musk thành công”, ông nói.
Nhân viên này cho rằng trong lần gặp tại Apple Park, Cook đã lắng nghe mọi điều Musk nói và cũng bày tỏ góc nhìn của riêng mình. “Tim Cook là kiểu người sẽ xắn tay áo và lao vào giải quyết mọi vấn đề. Ông ấy không thích dính vào những ồn ào dù là lùm xùm trên truyền thông hay dẫn đến kiện tụng. Tim Cook không giống Elon Musk”, nhân viên Apple chia sẻ.
“Điều ông ấy giỏi nhất là hiểu được mình cần phải quan tâm đến mọi mặt, giao hảo với tất cả mọi lĩnh vực mà không thiên vị bất kỳ ai”, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak nhận định.