Hôm 28/11, chủ sở hữu Twitter Elon Musk đưa ra những thông điệp cứng rắn đối với Apple, sau khi nhà sản xuất iPhone đe dọa sẽ cấm nền tảng mạng xã hội mới này trên App Store.
“Apple đe dọa từ chối Twitter trên kho ứng dụng App Store, nhưng không cho chúng tôi lời giải thích”, Guardian dẫn lời ông chủ mới của Twitter.
Trên trang cá nhân, vị tỷ phú dẫn nguồn thông tin Apple sẽ đánh thuế 30% với các nhà phát triển ứng dụng kiếm hơn 1 triệu USD thông qua App Store. "Liệu người dùng có biết rằng Apple sẽ thu 30% với mọi thứ bạn mua trên App Store hay không?", ông chủ Twitter đặt câu hỏi.
Elon ra dấu sẵn sàng "gây chiến" với Apple. Ảnh: @elonmusk.
Sau đó, Elon Musk liên tiếp đăng tải một loạt meme có hàm ý chỉ trích Táo khuyết, trong đó nổi bật là một bức ảnh có nội dung thay vì chấp nhận đóng thuế 30%, vị tỷ phú chọn cách "gây chiến".
Cuộc chiến giữa David và Goliath giới công nghệ
CEO Tesla cũng chia sẻ lại đoạn video mà tựa game Fornite từng dùng để châm biến về sự độc tài của Apple thông qua App Store với bình luận "hoàn toàn chính xác".
Ông cũng tạo một bình chọn yêu cầu Táo khuyết phải trả lời các hành động kiểm duyệt mà hãng đã thực hiện có ảnh hưởng đến khách hàng hay không.
Trên thực tế, những tranh cãi xung quanh khoản chia sẻ lợi nhuận 30% của Apple không còn là chuyện mới và từng tốn nhiều giấy mực.
Vào năm 2021, Epic Games thậm chí đã kiện Apple ra tòa bởi chính sách này nhưng sau đó thua kiện và Fortnite – tựa game nổi tiếng nhất của hãng đã bị gỡ khỏi App Store.
Đoạn video mà tựa game Fornite từng dùng để châm biến về sự độc tài của Apple thông qua App Store. Ảnh: Epic Games.
Cũng trong phát biểu hôm 28/11, Musk cáo buộc Apple đã “gần như ngừng quảng cáo trên Twitter”. “Họ có thù hằn gì với tự do ngôn luận tại Mỹ không?”, vị tỷ phú viết thêm, sau đó gắn tên CEO của Apple,Tim Cook và hỏi “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy”.
Theo Pathmatics, Apple chi khoảng 131.600 USD cho quảng cáo trên Twitter giai đoạn 10-16/11, giảm từ mức 220.800 USD từ ngày 16-22/10 - một tuần trước khi ông Musk chốt thỏa thuận với Twitter.
Do đó, thực tế là Twitter cần Apple trong cả ngắn và dài hạn, trong khi Táo khuyết chưa chắc đã phải giữ mạng xã hội này trên nền tảng của mình.
Thậm chí, thay vì căng sức "chiến đấu" trên một mặt trận mà chắc chắn sẽ tốn rất nhiều công sức, Elon Musk có lẽ nên tập trung giải quyết sự hỗn loạn của chính Twitter.
Thực tế Twitter cần Apple trong cả ngắn và dài hạn, trong khi Táo khuyết chắc chắn không cần thiết phải giữ mạng xã hội này trên nền tảng của mình. Ảnh: APA.
Khoản thu 30% của Apple có thể là quá nhiều đối với Elon Musk, nhưng nó vẫn tốt hơn là việc Twitter mất trắng doanh thu trên App Store nếu bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng trên iPhone.
Cái lý của Apple
Theo quy định trên cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, các mạng mạng xã hội phải có hệ thống kiểm duyệt nội dung khắt khe nhằm loại trừ những bài đăng độc hại.
Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản Twitter vào tháng trước, Musk đã cắt giảm khoảng một nửa nhân sự của Twitter. Số này bao gồm nhiều nhân viên ở mảng kiểm duyệt thông tin, trong khi một số người khác đã tự nguyện nghỉ việc.
Twitter từng khóa nhiều tài khoản vì lan truyền tin giả, gây hại hoặc quấy rối. Đến khi Elon Musk nắm quyền, nhóm này được cho phép hoạt động trở lại.
Động thái này khiến không chỉ Apple mà nhiều nhà quảng cáo lo ngại, bởi Twitter đã ân xá cho nhiều nhân vật tai tiếng như Donald Trump và Kanye West.
Musk từ lâu đã chỉ trích các chính sách kiểm duyệt và khóa tài khoản của Twitter, và tuyên bố ý định thay đổi các chính sách này trong quá trình mua công ty. Ông chủ Twitter nhiều lần nói rằng ủng hộ cách tiếp cận “tự do ngôn luận”.
Vị tỷ phú khẳng định Twitter vẫn đang đi đúng hướng với mức độ tương tác cao kỷ lục kể từ khi ông tiếp quản. Tuy nhiên, cách tiếp cận “tự do ngôn luận” đã khiến nguồn kiếm tiền chính của Twitter là các nhà quảng cáo đồng loạt rút lui.
Theo một phân tích được thực hiện bởi nhóm giám sát phi lợi nhuận Media Matters, một nửa trong số 100 nhà quảng cáo hàng đầu của Twitter thông báo rằng họ đang tạm ngừng ngân sách quảng cáo trên mạng xã hội này.
Twitter đã ân xá cho nhiều nhân vật tai tiếng như Donald Trump và Kanye West, làm nhiều người dùng và nhà quảng cáo lo ngại. Ảnh: ETtech.
Apple trước đây cũng từng mạnh tay xóa các ứng dụng mạng xã hội khỏi App Store do nội dung không tuân thủ chính sách của công ty.
Ví dụ gần đây nhất là khi Apple xóa nền tảng mạng xã hội cánh hữu Parler khỏi App Store của mình ngay sau sự kiện ngày 6/1 khi một đám đông ủng hộ Trump xông vào tòa nhà Quốc hội.
Vào thời điểm đó, các chính sách kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo của Parler cho thấy nền tảng này đã nương tay với nội dung gây bạo lực.
Với định hướng hiện tại của Musk với Twitter, rất nhiều khả năng mạng xã hội này sẽ là cái tên tiếp theo biến mất trên App Store. Theo TechCrunch , kể từ khi được Musk tiếp quản, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gia tăng ngôn từ kích động và thù địch trên Twitter.