Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 11/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh từ mức cao nhất một tháng.
Dầu Brent (tiêu chuẩn toàn cầu) ghi nhận mức giảm 2,182 USD/thùng, tương đương 2,25% so với ngày 10/10 xuống hơn 94 USD/thùng. Trong khi đó, giá của mỗi thùng dầu WTI (chuẩn Mỹ) lao dốc 2,05 USD, tức 2,26%.
"Đà tăng của dầu chững lại khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) - bình luận với Zing.
Lo ngại suy thoái chi phối thị trường
"Đó không phải là những cảnh báo bất ngờ. Nền kinh tế đang đối mặt với các thách thức lớn do hậu quả của đại dịch và xung đột Nga - Ukraine, chưa kể tới quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh)", ông nói thêm.
Ông Erlam cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát và giáng thêm đòn vào đà tăng trưởng kinh tế thế giới.
Sau quyết định của OPEC+, giá dầu đã tăng khoảng 20% so với mức thấp nhất của tháng 9.
Hôm 10/10, giá dầu thô Brent đã tăng vọt 4,06% so với ngày giao dịch cuối tuần trước lên 98,29 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất hơn 1 tháng.
Trong khi đó, giá dầu WTI đã chính thức vượt ngưỡng quan trọng 90 USD/thùng. Giá tăng gần 5% lên 93,2 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối tháng 8.
Ông Erlam cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
Những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu thế giới muốn giữ giá dầu ở mức cao. Tuy nhiên, giá tăng lên có thể phá hủy nhu cầu, từ đó đè nặng lên thị trường dầu.
"Giá dầu thô lao dốc do những lo ngại về nhu cầu", ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank - nhận định.
"Đà tăng vọt sau quyết định của OPEC+ đã mất đi nhiệt lượng. Bởi tâm lý trên mọi thị trường đều xấu đi vì lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ, sẽ phải đối mặt với một năm 2023 đầy thách thức", ông nói thêm.
Đà bán tháo lan rộng
Mới đây, ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - đã cảnh báo rằng những thách thức nghiêm trọng có thể đẩy Mỹ và nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong năm tới.
Các yếu tố được ông Dimon chỉ ra là tác động của lạm phát, lãi suất tăng cao hơn dự kiến, ảnh hưởng từ những chính sách thắt chặt và xung đột Nga - Ukraine.
"Đó là những thách thức rất nghiêm trọng, mà tôi cho rằng có thể đẩy Mỹ và thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6-9 tháng nữa", ông Dimon nhận định. Theo ông, kinh tế châu Âu vốn đã suy thoái rồi.
Đà tăng của dầu chững lại khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London)
Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, giới chức Bắc Kinh đang phát đi tín hiệu sẽ không xóa bỏ chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.
Việc Trung Quốc áp dụng các hạn chế gắt gao sẽ là lực cản lớn với nhu cầu năng lượng.
Thêm vào đó, đà bán tháo đang lan rộng trên hầu hết thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Trong phiên 10/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 93,91 điểm, tương đương 0,32%, về 29.202 điểm; trong khi chỉ số S&P 500 mất 27,27 điểm, tương đương 0,75%.
Trong khi đó, giá của mỗi ounce vàng giao ngay trên sàn New York giảm 26 USD xuống 1.669 USD. Giá vàng đã giảm 4 phiên liên tiếp, trên đà ghi nhận đợt sụt giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng.
Ở chiều ngược lại, sức mạnh của đồng USD tăng lên mức cao nhất trong một tháng và tác động tiêu cực lên các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.