Morocco trở thành quốc gia đầu tiên cấm toàn bộ người đến từ Trung Quốc nhập cảnh kể từ ngày 3/1, không phân biệt quốc tịch.
Trong bối cảnh Bắc Kinh thông báo dỡ bỏ các biện pháp cách ly và cho phép công dân đi du lịch kể từ ngày 8/1, một số nước đã áp lệnh hạn chế, yêu cầu người đến từ Trung Quốc này phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19.
Lý do từ Morocco
Dù ra lệnh cấm toàn bộ người đến từ Trung Quốc, nguyên nhân được chính quyền Rabat đưa ra là "tránh làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện tại đất nước và những hậu quả". Morocco không nói đến nguy cơ xuất hiện biến thể mới hay về dữ liệu y tế tại Trung Quốc như một số nước khác.
Là một trong những nước mới nhất áp lệnh hạn chế, Australia nói rằng sẽ áp lệnh yêu cầu xét nghiệm với người đến từ Trung Quốc vì vấn đề thiếu thông tin, theo Bloomberg. Một số nước như Mỹ hay Tây Ban Nha bày tỏ họ lo ngại về việc có thể xuất hiện những biến thể mới.
Bộ Ngoại giao Morroco khẳng định lệnh cấm nhập cảnh mới được công bố không làm ảnh hưởng đến quan hệ bền chặt giữa nhân dân hai nước và quan hệ đối tác chiến lược hai nước.
Morocco là quốc gia châu Phi thứ hai công nhận Trung Quốc vào năm 1958. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Quốc vương Morocco Mohammed VI vào năm 2016, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Gần đây, tại hội nghị thượng đỉnh Arab - Trung Quốc lần đầu tiên, được tổ chức hồi tháng 12/2022, quốc vương Morocco đã bày tỏ mong muốn củng cố hơn nữa quan hệ giữa thế giới Arab và Trung Quốc.
Động thái của các nước
Bên cạnh Morocco, Canada và Australia cũng trở thành hai nước mới nhất thông báo về các hạn chế với người đến từ Trung Quốc.
Cả Canada và Australia đều yêu cầu hành khách trên các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau phải có kết quả âm tính Covid-19 trước khi lên máy bay, bắt đầu từ ngày 5/1. Hai nước này nói đây là “biện pháp tạm thời”.
Trong tuyên bố ngày 31/12, Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos nói lệnh hạn chế là cần thiết để giữ đất nước an toàn trước dịch bệnh. Du khách cũng sẽ được hỏi liệu họ có đến Trung Quốc trong 10 ngày gần nhất hay không.
Quy định của Canada áp dụng cho hành khách từ 2 tuổi trở lên, và không phân biệt quốc tịch hay đã tiêm bao nhiêu mũi vaccine, ông Duclos nói. Lệnh hạn chế được áp dụng trong 30 ngày và sẽ được cập nhật sau đó, khi có thêm thông tin mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler nói quyết định yêu cầu kết quả xét nghiệm Covid-19 đến từ “sự thận trọng” trước làn sóng lây nhiễm ở Trung Quốc.
Ông Butler ngày 1/1 nói giới chức đã tính đến khả năng có thể xuất hiện biến thể mới, lây nhiễm cao ở Bắc Kinh.
Ngày 5/1 cũng là thời điểm một số nước như Anh, Mỹ đưa ra yêu cầu tương tự đối với du khách từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Hy Lạp ngày 31/12 thông báo sẽ không áp lệnh hạn chế như các nước trên, nói rằng việc nới lỏng của Trung Quốc không gây nhiều lo ngại về diễn biến dịch, cũng như không có bằng chứng xuất hiện biến thể mới, theo China Daily.
Các nước như Đức hay Bồ Đào Nha cũng cho biết không có ý định áp lệnh hạn chế. Áo nhấn mạnh việc thu hút khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho châu Âu.
Tính đến nay, ngoài Morocco áp lệnh cấm toàn bộ, những quốc gia đã thông báo yêu cầu kết quả xét nghiệm Covid-19 với người đến từ Trung Quốc gồm Australia, Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italy, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ.
Dù không yêu cầu xét nghiệm, giới chức Malaysia hôm 30/12 cho biết họ sẽ theo dõi mọi hành khách nhập cảnh - bao gồm cả từ Trung Quốc - để xác định những người bị sốt. Bên cạnh đó, nước thải từ các máy bay tới từ Trung Quốc cũng được xét nghiệm virus gây Covid-19.
Phản ứng của Trung Quốc
Phản hồi trước động thái hạn chế của các nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 30/12 cho biết những hành động liên quan đến Covid-19 phải dựa trên cơ sở khoa học, và áp dụng bình đẳng với người dân ở mọi quốc gia.
Hôm 30/12, truyền thông Trung Quốc lên án việc một số quốc gia đã yêu cầu công dân Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi nhập cảnh.
Tờ Global Times cho rằng việc một số nước áp các biện pháp hạn chế với những người đến từ Trung Quốc được các chuyên gia cho là "vô căn cứ" và "phân biệt đối xử".