Xác định sai mục tiêu khiến bạn mất nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.
Bạn thích lập kế hoạch cho tương lai, song hiếm khi hoàn thành mọi thứ. Đừng vội nghĩ mình kém cỏi. Có thể bạn chỉ đang đặt ra những mục tiêu không thiết thực với bản thân.
Khi trung tâm Statistic Brain khảo sát về việc thực hiện to-do list (danh sách mục tiêu, việc cần làm), 45% người Mỹ có sở thích vạch lộ trình cho năm mới. Trong đó, 38% không bao giờ thực hiện chúng. Đồng thời, chỉ 75% của nhóm đặt mục tiêu bám sát kế hoạch trong tuần đầu tiên.
Theo chuyên gia Tonglin Jiang và Constantine Sedikides, mong muốn lập kế hoạch xuất phát từ sự lo lắng, sợ bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, nó cũng giúp đốc thúc cá nhân vượt lên trên giới hạn của bản thân. Tuy vậy, mục tiêu phi lý chỉ làm bạn thêm mệt mỏi.
Dưới đây là một số lời khuyên từ Psychology Today nhằm giúp bạn dừng xây dựng mục tiêu vô nghĩa.
Trải nghiệm nhiều hơn là cách giúp cá nhân xác lập mục tiêu thực tế. Ảnh: Polina Zimmerman/Pexels.
Đừng so sánh với người khác
Thông thường, một người có xu hướng nhìn vào người khác để xác lập mục tiêu. Đó là lý do khiến những gì họ vạch ra thường xa vời, không có giá trị thực tế với cuộc sống của mình.
Chẳng hạn, bạn nhìn vào một người mẫu thon thả và cho rằng bản thân cần nỗ lực để gầy gò hơn. Trong khi đó, điều bạn thực sự cần là sức bền và sự dẻo dai.
Đáng tiếc, đa số chỉ nhận ra mình đang lạc lối sau khi đã mất thời gian và công sức cho mục tiêu vô nghĩa.
Ngoài ra, một số người né tránh việc lên kế hoạch vì từng thất bại với chúng trong quá khứ. Nỗi ám ảnh khiến họ lo lắng, thậm chí mất niềm tin vào chính mình.
Thay vào đó, hãy cho phép bản thân đón nhận nhiều loại trải nghiệm hơn. Chúng giúp cá nhân hiểu hơn về năng lực, nhu cầu của bản thân. Đồng thời, bạn cũng có cơ sở để hoạch định cuộc đời.
Tất nhiên, quá trình này đôi lúc khiến bạn mệt mỏi vì khá mất thời gian. Song, nhờ nó, khả năng định hướng của cá nhân sẽ được cải thiện, hạn chế phí công sức và niềm tin cho những mục tiêu phi thực tế.
Tư duy theo lối mòn khiến bạn khó xác lập mục tiêu thực tế, phù hợp năng lực cá nhân. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.
Thoát khỏi tư duy lối mòn
Theo thạc sĩ xã hội Jeffrey Davis, cá nhân nên cố gắng tìm ra “điểm chân trời” của riêng mình.
Nghĩa là họ cần mở rộng tầm nhìn, hướng đến những mục tiêu xa, lớn lao nhưng phải phù hợp với khả năng và mức độ phát triển. Điều này sẽ tạo ra năng lượng tích cực, thúc đẩy mọi người nỗ lực hơn.
Davis gợi ý một số câu hỏi giúp xác định “điểm chân trời’, cụ thể:
- Tôi đã luôn là ai? Tôi thực sự muốn mình như thế nào?
- Làm thế nào để tôi phát triển thành phiên bản sát với kỳ vọng nhất?
- Tôi muốn được biết đến nhất vì điều gì?
“Tôi thường khuyên các khách hàng đến những vùng đất mới để mở rộng phạm vi ‘điểm chân trời’. Thực tế, khi ở nơi xa lạ, quá trình suy nghĩ, lập kế hoạch dường như cụ thể và dễ mang lại kết quả như kỳ vọng hơn.
Ngoài ra, yếu tố địa lý có thể mở rộng ý thức về bản thân, cũng như tạo ra trải nghiệm ngạc nhiên hoặc sợ hãi. Bạn sẽ nhìn nhận bản thân trong mối tương quan với nhiều yếu tố vĩ mô, hiểu hơn về năng lực của mình. Đó cũng là yếu tố giúp bạn thoát khỏi lối mòn khi đặt mục tiêu”, ông nói.
Bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè hoặc cố vấn chuyên môn. Ảnh: Artem Podrez/Pexels.
Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ
Không phải lúc nào bạn cũng đủ sức tự hoạch định mục tiêu. Trước khi xác lập chúng, hãy cân nhắc tìm hiểu thêm thông qua những người có kinh nghiệm hơn.
Một số người ngần ngại vì sợ bị đánh giá kém cỏi. Tuy nhiên, quá trình tích lũy sẽ giúp mài giũa các kỹ năng. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ bạn bè, hoặc tìm cố vấn giỏi chuyên môn.
Nhờ đó, bạn sẽ tiến những bước xa hơn trên quá trình tạo dựng kế hoạch và hoàn thành chúng. Ngoài ra, cá nhân nên cân nhắc vài khóa học nâng tầm kỹ năng (lãnh đạo, sắp xếp) nhằm đỡ tốn thời gian vào dự án kém chất lượng.
Trước khi quyết định trao đổi với người giúp đỡ, hãy tự trả lời một số câu hỏi sau. Chúng sẽ giúp tạo cái nhìn cụ thể hơn cho kế hoạch tương lai.
- Sắp tới, tôi muốn tạo ra giá trị gì?
- Tôi cần cố vấn hỗ trợ ở điểm gì, mức độ ra sao?
- Những mục tiêu hiện tại đã phù hợp chưa, hay cần cải thiện ở điểm gì?