Theo quy định mới của EU, dầu cọ - cũng như các hàng hóa khác - sẽ bị cấm bán nếu liên quan tới hoạt động phá rừng. Các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm của họ không gây phá hủy rừng.
Quy định này, vốn được đồng thuận vào tháng 12/2022, đã phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt của Indonesia và Malaysia, hai nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cây trồng và Hàng hóa Malaysia Fadillah Yusof tuyên bố nước này và Indonesia sẽ thảo luận về điều luật của EU.
“Nếu chúng tôi cần tập hợp các chuyên gia từ nước ngoài để đối phó với hành động của EU, chúng tôi sẽ làm vậy”, ông Fadillah nói với báo giới bên lề một hội nghị hôm 11/1. “Một lựa chọn khác với chúng tôi là ngừng xuất khẩu tới châu Âu và chỉ hướng đến các nước khác, nếu EU khiến chúng tôi gặp khó khăn trong xuất khẩu”.
Các nhà vận động môi trường cáo buộc ngành công nghiệp dầu cọ đang khiến hàng loạt khu rừng ở Đông Nam Á bị phá hủy, dù Indonesia và Malaysia đã yêu cầu mọi dự án trồng cọ phải được chứng nhận về tính bền vững.
Ông Fadillah cũng đề nghị các thành viên Hội đồng Các nước Sản xuất Dầu cọ (CPOPC) hợp tác chống lại quy định mới của EU, cũng như đối phó với “các luận cứ vô căn cứ” mà EU và Mỹ đưa ra về tính bền vững của dầu cọ.
Đáp trả ông Fadillah, Đại sứ EU tại Malaysia Michalis Rokas phủ nhận đạo luật ngăn cản Malaysia xuất khẩu dầu cọ.
“Luật áp dụng công bằng với hàng hóa sản xuất bởi mọi quốc gia, bao gồm cả các nước thành viên EU”, ông Rokas nói với Reuters.