Các nhà khoa học tại Viện mắt Quốc gia Mỹ (NIH) dự đoán đến năm 2050 gần một nửa dân số thế giới sẽ bị cận thị.
Ngoài yếu tố về gene, nguyên nhân đến từ môi trường sống ngày càng khép kín hơn, và mắt người phải liên tục thích ứng với những nhiệm vụ mới như đọc sách, nhìn màn hình điện thoại liên tục, Tiến sĩ Viola Kanevsky, cựu Chủ tịch Hiệp hội Nhãn khoa bang New York nhận định. Vì thế, con số những người bị cận thị sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, những người bị viễn thị lại không gặp những vấn đề này. Với đặc điểm nhìn tốt hơn những vật thể ở khoảng cách xa, các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ người bị viễn thị trước đây cao hơn rất nhiều so với hiện tại chỉ chiếm 5-10% dân số.
Lợi thế của người cận thị
Trên thực tế, di truyền có thể ảnh hưởng đến việc một người bị cận thị hoặc viễn thị. Nếu bố hoặc mẹ bị cận, con sinh ra sẽ có nguy cơ cận thị cao hơn, khoảng 30%. Về mặt kết cấu mắt, mặt cận thị và viễn thị sẽ có một vài sự khác biệt. Mắt bị cận trông có vẻ sẽ “dài” hơn mắt thường, trong khi viễn thị lại “ngắn” hơn.
Theo TS. Kanevsky, hầu hết trẻ em khi được sinh ra đều viễn thị nhẹ nhưng đôi mắt sau đó sẽ dần dài ra và đạt đến hình thái chuẩn. Chúng sẽ hiệu chỉnh tầm nhìn để có thể nhìn gần hơn và giảm thiểu mỏi mắt hay lác mắt.
Còn những người trưởng thành bị cận thị là bởi khi đôi mắt của họ tiếp tục phát triển dài hơn mức tiêu chuẩn. Mặc dù không thể thay đổi việc mình bị cận thị, con người hoàn toàn có thể ngăn đôi mắt càng trở nên tệ hơn, chuyên gia cho biết.
Ở giai đoạn đầu cuộc đời, bị cận thị sẽ giúp nhiều người có lợi thế hơn vì thích nghi tốt với nhiều môi trường khác nhau. Lợi thế này sẽ được duy trì nếu họ bị cận dưới 3 độ. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về mắt như cườm nước, bong võng mạc cao hơn người bình thường.
Quy tắc 20-20-20 cho mắt cận
Để kiểm soát độ cận cho trẻ, bố mẹ có thể sử dụng kính tiếp xúc Ortho-K. Đây là kính áp tròng cứng được thiết kế để dùng vào ban đêm trong lúc ngủ giúp điều chỉnh lại giác mạc, phục hồi thị lực mà không cần đeo kính cận. Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Những phương pháp này có hiệu quả 50% đối với trẻ bị cận thị. Mắt ở độ tuổi trưởng thành luôn thay đổi 0,5 độ theo chu kỳ một năm ví dụ như từ cận 2 độ tăng lên 2,5 độ trong một năm. “Nếu sử dụng những phương pháp này, bố mẹ có thể làm chậm quá trình, giảm chỉ còn 0,25 độ/năm”, TS. Kanevsky nói thêm.
Nhưng theo chuyên gia, giải pháp hữu hiệu nhất để trị cận thị là dành thời gian cho hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu cận thị thế giới (IMI), trẻ em dành 80-120 phút ngoài thiên nhiên mỗi ngày sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng độ cận.
Bạn có thể áp dụng quy tắc 20-20-20 để giảm nhức mỏi mắt nhằm hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ phát sinh các bệnh lý về mắt. Cụ thể, sau mỗi 20 phút mắt làm việc liên tục với màn hình, hãy cho mắt tạm nghỉ ngơi bằng cách nhìn vào một vật ở cách mắt tối thiểu 20 feet (khoảng 6 mét) trong vòng 20 giây.
Mắt người cũng phải học thích nghi
Đến tuổi trung niên, mọi người bắt đầu không thể nhìn rõ những vật thể ở gần. Nhưng khác với tật viễn thị thông thường, nguyên nhân gây ra mắt yếu của người già lại đến từ lão hóa, không thể ngăn ngừa. Bên trong mắt người có bộ phận thủy tinh thể trong suốt, giúp tập trung các tia sáng để tạo thành hình ảnh rõ nét, giúp ta có thể điều chỉnh tiêu điểm để nhìn xa gần như zoom bằng ống kính máy ảnh.
“Đến tuổi 40, thủy tinh thể phát triển như một củ hành tây, bắt đầu xơ cứng, xuất hiện thêm nhiều lớp màng. Ngay cả những người có thị lực tốt cũng bắt đầu dùng kính để đọc sách và đẩy các vật thể ra xa để nhìn rõ hơn”, cựu Chủ tịch New York State Optometric Association nói.
Với người bị viễn thị, họ có thể gặp phải lão thị sớm hơn người bình thường bởi mắt họ đã quen nhìn vào những vật ở xa thay vì nhìn rõ những vật thể gần. Những người bị cận thị sẽ gặp phải tình trạng này muộn hơn.
Theo TS. Viola Kanevsky, chỉ trong vài thập kỷ tới, đôi mắt của chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi theo môi trường mới, giúp người già cũng có thể đọc hay nhìn màn hình máy tính hệt như người trẻ. “Dù tương lai phát triển thế nào, mắt người cũng sẽ tiếp tục thích nghi với thế giới họ sống”, chuyên gia chia sẻ.