Theo số liệu giao dịch của nền tảng thanh toán Payoo, trong quý II, giá trị thanh toán không tiền mặt trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ công, giáo dục, du lịch F&B, bán lẻ, thời trang, điện máy đều tăng mạnh. Đáng chú ý, các phương thức thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng cao.
Giáo dục là mảng ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ nhất trong thời kỳ dịch bệnh xuất phát từ nhu cầu học và thanh toán học phí trực tuyến. Hiện mảng này vẫn tiếp tục tăng trưởng từ năm ngoái đến nay.
Trước một thị trường còn nhiều dư địa để phát triển, người dùng Việt có mức độ thích ứng nhanh với các dịch vụ thanh toán số
Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo)
Trong quý II, giá trị giao dịch thanh toán học phí tăng 2,5 lần so với quý I và gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo, trung tâm Anh ngữ có số lượng và giá trị giao dịch tăng lần lượt 60% và 50% so với quý liền trước. Giao dịch mã QR và hình thức trả góp lãi suất 0% ngày càng chiếm ưu thế trong nhóm này do phù hợp với nhu cầu chi trả linh hoạt của người dùng.
Ở lĩnh vực dịch vụ công, các giao dịch thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng trưởng đến 84% về số lượng và gấp 3 lần về giá trị giao dịch. Người dân và doanh nghiệp nay có thể thanh toán online tất cả dịch vụ công cấp độ 4 như thuế TNCN, BHXH, tiền điện, nộp thuế…
Nhu cầu du lịch, F&B phục hồi
Sau khi Việt Nam mở cửa du lịch và khôi phục đường bay quốc tế, Tổng cục Thống kê cho biết số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong tháng 6 đạt 236.700 lượt, tăng 36,8% so với tháng 5 và gấp giai đoạn cùng kỳ năm ngoái 32,9 lần.
Bên cạnh đó, các điểm du lịch trong nước cũng đón nhận lượng lớn khách nội địa trong cao điểm du lịch hè.
Số liệu giao dịch thanh toán của các doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch thông qua Payoo (bao gồm vé, lữ hành, lưu trú, gói nghỉ dưỡng…) tăng khoảng 60% về cả số lượng và giá trị so với quý I. Trong đó, hình thức thanh toán trả thẳng bằng thẻ quốc tế và trả góp qua thẻ tín dụng chiếm hơn 95%, chủ yếu đến từ mảng lưu trú, gói nghỉ dưỡng.
Mảng du lịch cũng chứng kiến sự chuyển dịch lớn từ thanh toán trực tiếp tại quầy sang trực tuyến, đặc biệt ở nhóm vé tàu, xe, máy bay. Điều này giúp nhóm gia tăng 60% số lượng giao dịch và 50% giá trị.
Nhìn chung, trên cổng thanh toán trực tuyến, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán tăng lần lượt 10% và 35% so với quý I.
Người dùng chủ yếu thanh toán vé bằng mã QR. Mặt khác, hình thức thanh toán sau được ưu tiên hơn đối với địa điểm lưu trú, chiếm hơn 83% về số lượng và 87% về giá trị. Đây là hình thức khách hàng đặt vé, giữ chỗ trước và đến cửa hàng liên kết, truy cập website hoặc ứng dụng để thanh toán trong thời gian quy định.
Ngoài việc mạnh tay chi tiêu cho du lịch, người dân cũng tích cực “ăn hàng” nhiều hơn. Payoo cho biết so với quý trước, số lượng và giá trị giao dịch trong ngành F&B tăng mạnh 61% và 41%.
Số lượng thanh toán chủ đạo thông qua thẻ quốc tế, chiếm 64% về số lượng 77% giá trị giao dịch. Trong khi đó, thẻ nội địa chiếm 21% và 17%, phần còn lại thuộc về mã QR.
Đáng chú ý, hoạt động thanh toán ở ngành bán lẻ xuất hiện sự phân hóa khá lớn. Trong khi nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đến 50% thì cũng có doanh nghiệp khác sụt giảm 20% số lượng giao dịch.
Thời trang, phụ kiện, trang sức, thương hiệu thời trang tầm trung vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Ở chiều ngược lại, nhóm thương hiệu cao cấp, xa xỉ phẩm lại giảm nhẹ 12-15% do không phải mùa cao điểm mua sắm.
Tương tự, doanh thu mảng điện thoại, điện máy đều hạ nhiệt và chỉ đạt 80-90% so với quý trước.