Nhân vật đại diện (avatar) trong vũ trụ ảo của Meta cuối cùng cũng có chân và người dùng sẽ sớm có cơ hội sử dụng avatar này ở khắp mọi nơi trên Internet, hãng công nghệ khẳng định trong sự kiện Meta Connect vào sáng 12/10 (giờ Việt Nam).
Lần đầu tiên nhân vật trong metaverse có chân
“Việc làm chân cho avatar rất khó. Đây cũng là lý do khiến phần cơ thể này chưa xuất hiện trên bất kỳ hệ thống thực tế ảo nào”, CEO Mark Zuckerberg nói tại sự kiện.
Do đó, Meta sẽ tích hợp chân cho avatar trên Horizon Worlds trước, sau đó sẽ đưa tính năng này lên các nền tảng khác khi đã hoàn thiện công nghệ. Ở thời điểm hiện tại, các avatar của Meta luôn xuất hiện ở trạng thái lơ lửng vì chỉ có phần đầu, vai và tay.
“Thêm chân là tính năng được người dùng yêu cầu nhiều nhất”, CEO Meta chia sẻ. Ông đã trình diễn avatar mới với ngoại hình được trau chuốt hơn trước đây rất nhiều, Cnet nhận định.
Mark Zuckerberg cho biết ban đầu công ty sử dụng avatar không chân vì rất khó để các thiết bị đeo VR tính toán chiều dài khuỷu tay hay chân của người dùng. Một khi hiển thị sai tỷ lệ thực, nhân vật trong thế giới ảo sẽ trông rất kỳ quặc.
Với phần cánh tay, Meta đã tận dụng công nghệ theo dõi và dự đoán chuyển động của người dùng để hiển thị chính xác bộ phận này. Nhưng với chân, phần này sẽ khó khăn hơn vì các thiết bị VR khó có thể nhận thấy chúng như với phần tay.
Ví dụ, nếu người dùng đang ngồi và đặt chân ở dưới bàn, tầm nhìn của thiết bị VR sẽ bị giới hạn và không thể dự đoán chính xác chuyển động của chúng. Do đó, để thêm chân cho các avatar, Meta đã xây dựng một mô hình AI mới để mô phỏng hình dáng cơ thể của người dùng.
Thiết bị VR không dành cho người thường
Ngoài thêm chân, những ảnh đại diện của người dùng trên metaverse còn được bổ sung thêm các cảm xúc mới để biểu thị tâm trạng thật của họ. Người dùng cũng có thể lựa chọn giữa nhiều dáng người và màu da phù hợp với ngoại hình của bản thân.
Meta cho biết hãng đang tìm cách tạo ra những avatar trông giống thật nhất có thể để đại diện cho người dùng ở nhiều trường hợp khác nhau như quay Reels, gọi video trên Messenger và WhatsApp bằng avatar.
Theo Cnet, tại sự kiện Meta Connect, Meta còn cho biết người dùng sẽ có khả năng sử dụng các avatar này trong cuộc họp Zoom, giúp người dùng vẫn có thể xuất hiện trên màn hình như bình thường mà không cần lộ diện. Những tính năng này sẽ đến tay người dùng vào năm sau, tập đoàn công nghệ khẳng định.
Cũng tại sự kiện ngày 11/10, Meta đã chính thức công bố thiết bị thực tế ảo mới nhất của mình có tên Meta Quest Pro. Mở bán vào ngày 25/10, bộ kính VR này có giá lên đến 1.500 USD, cao gấp 5 lần so với Meta Quest 2 300-400 USD. Đây là thiết bị đầu tiên sử dụng vi xử lý Snapdragon XR2 Plus hoàn toàn mới của Qualcomm với sức mạnh hiệu năng cao hơn 50% và hiệu suất nhiệt được cải thiện 30% so với chipset có trên Quest 2.
“Đây là thiết bị VR cao cấp nhất dành riêng cho những người đam mê công nghệ, chuyên gia trong ngành đang nghiên cứu về công nghệ này”, CEO Mark Zuckerberg khẳng định. Ông nói rằng tập đoàn sẽ vẫn sản xuất và bán Quest 2 như bình thường còn dòng Quest Pro sẽ ở phân khúc cao cấp hơn, không dành cho đối tượng khách hàng thông thường.
Meta còn cho biết sẽ hợp tác với Microsoft để giúp người dùng làm việc và chơi game hoàn toàn bằng công nghệ thực tế ảo. Cụ thể, Microsoft sẽ đưa các dịch vụ đình đám của mình như Office, Windows, Teams và Xbox Cloud Gaming lên các bộ thiết bị VR của Meta.
Màn hợp tác này được đánh giá là sẽ giúp hai bên cùng có lợi khi Microsoft có thể tích hợp các dịch vụ của mình vào công nghệ VR hoàn toàn mới. Trong khi đó, Meta sẽ có thêm một đối tác để thực hiện tham vọng xây dựng metaverse của riêng mình.
“Chúng tôi sẽ mang đến trải nghiệm họp trên Microsoft Teams lên Meta Quest để người dùng có thêm nhiều cách kết nối với nhau. Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ, cùng nhau làm việc hệt như ngoài đời”, CEO Satya Nadella của Microsoft khẳng định.