Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) cho biết doanh nghiệp vừa giải ngân thành công đợt đầu với giá trị 375 triệu USD, thuộc phần bảo lãnh của khoản vay hợp vốn trị giá 650 triệu USD (hơn 15.000 tỷ đồng).
Công ty đặt mục tiêu sử dụng toàn bộ khoản vay hợp vốn năm 2023 bằng quyền chọn “greenshoe” (quyền chọn gia tăng) đối với khoản 275 triệu USD còn lại vào cuối năm nay.
Trước đó, hồi tháng 2, Masan hoàn tất gói tín dụng hợp vốn lên đến 650 triệu USD được bảo lãnh phát hành bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered Bank và Ngân hàng United Overseas.
Khoản vay bằng USD có lãi suất cộng thêm 3,5% với lãi suất tham chiếu SOFR (tương đương lãi suất 8% mỗi năm). Với thời hạn 5 năm, khoản vay hợp vốn năm 2023 sẽ giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn và củng cố thanh khoản.
Tập đoàn đa ngành này tin rằng với ưu thế dòng tiền ổn định sẽ tiếp tục đầu tư vào những cải tiến mới cũng như mở rộng nền tảng bán lẻ tiêu dùng mà vẫn duy trì bảng cân đối kế toán.
Trong bối cảnh thiếu hụt dòng tiền trong nước, dòng vốn ngoại đang nổi lên trở thành "cứu cánh" cho các doanh nghiệp để có dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn lực nền tảng cho những kế hoạch trong tương lai.
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp liên tiếp công bố huy động vốn thành công từ nước ngoài. Đơn cử, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã ký kết thành công hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 125 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng) từ các định chế tài chính hàng đầu như SMBC, CTBC Bank, Taishin và Chứng khoán Maybank.
Tập đoàn nông nghiệp Lộc Trời cũng vay vốn 100 triệu USD từ 6 ngân hàng quốc tế và một nhà băng nội địa để đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao... Hay hồi đầu tháng 3, Công ty cổ phần Đầu tư F88 cũng huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV)...