Tập đoàn Masan (MSN) mới công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm với doanh thu thuần 18.706 tỷ đồng (205 tỷ đồng mỗi ngày), tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2022, dù thị trường bán lẻ chung gặp nhiều khó khăn.
Giá vốn tăng nhanh khiến lợi nhuận gộp chỉ còn đi ngang so với cùng kỳ. Giảm nguồn thu tài chính và các chi phí hoạt động tăng cao đẩy lợi nhuận sau thuế xuống còn 439 tỷ đồng, suy giảm 77%.
Masan lý giải kết quả này bị tác động bởi chi phí tài chính tăng lên trong môi trường lãi suất cao. Ngoài ra kết quả năm ngoái còn có thu nhập tài chính cao và thu nhập một lần từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long.
Người tiêu dùng lo lắng về thu nhập và triển vọng việc làm dẫn đến tâm lý và nhu cầu tiêu dùng đi xuống. Điều này đã được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý I trên toàn ngành tiêu dùng.
Ban lãnh đạo Masan nói sẽ tập trung vào cải thiện lợi nhuận với kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023, lĩnh vực ngân hàng sẽ sáng sủa, lãi suất giảm, từ đó nâng cao khả năng sinh lời chung của tập đoàn.
Theo cơ cấu, The CrownX - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce và Masan Consumer Holdings ghi nhận doanh thu giảm nhẹ trong môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý người tiêu dùng thắt chặt, đạt khoảng 13.300 tỷ đồng.
WinCommerce vẫn bền bỉ trong thời kỳ chi tiêu thắt chặt, hệ thống cửa hàng gia tăng kéo theo lượt khách tăng giúp bù đắp sự sụt giảm của giỏ hàng mua sắm.
Nhờ đó, doanh thu thuần đơn vị này nhích nhẹ lên mức 7.335 tỷ đồng. WinCommerce đã mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart trong quý đầu năm để nâng tổng cộng lên 3.442 địa điểm kinh doanh trên toàn quốc.
Còn Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần giảm 2,8% xuống 6.265 tỷ đồng. Các sản phẩm gia vị, chăm sóc Gia đình và cá nhân, cà phê ghi nhận tăng trưởng để bù đắp cho mặt hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và bia.
Chuỗi trà sữa Phúc Long Heritage đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các cửa hàng flagship ghi nhận tăng trưởng đến 11,8% đạt 311 tỷ đồng. Công ty đã đóng cửa các ki-ốt hoạt động kém hiệu quả và đang thử nghiệm mô hình “Hub-and-spoke” cho ki-ốt với một số kết quả ban đầu khả quan.
Masan MeatLife tăng 71,8% so với cùng kỳ đạt 1.600 tỷ đồng nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm và việc đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến.
Doanh thu Masan High-Tech Materials giảm 3,6% so với cùng kỳ do giá đầu ra thấp ảnh hưởng tiêu cực lên sản lượng của mỏ Núi Pháo và hiệu ứng tích trữ hàng tồn kho vào đầu năm ngoái
Năm 2023, tập đoàn bán lẻ tiêu dùng này lên kế hoạch doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31% so với thực hiện trong năm ngoái. Lợi nhuận kế hoạch dao động nhẹ trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
Kế hoạch đề ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ đối mặt với khó khăn nhu cầu giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu. Tập đoàn sẽ mở rộng danh mục thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là thịt chế biến và tăng cường phân phối qua Wincommerce.