Nội dung chính:
- Masan nỗ lực tăng trưởng hội viên khách hàng thân thiết thông qua thanh toán bằng tài khoản Techcombank.
- Masan đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2023 tăng trưởng từ 18 - 31% so với năm 2022, với hơn 70% đến từ Wincommerce và Masan Consumer.
Sáng 34/4/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán MSN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông tại TP.HCM. Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Masan Consumer (mã MCH) và Masan MEATLife (MML) cũng được tiến hành đồng thời.
Tổng giám đốc Masan, ông Danny Lê cho biết năm 2022, mỗi ngày có khoảng 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới tại chuỗi bán lẻ Winmart và Winmart+. Công ty đặt mục tiêu mỗi ngày mở mới khoảng 5.000 tài khoản Techcombank tại các chuỗi bán lẻ vào cuối năm nay.
Việc sử dụng tài khoản Techcombank giúp khách hàng thân thiết của Winmart và Winmart+ có thể thanh toán nhanh chóng chỉ bằng một chạm, không tiếp xúc. Thị phần siêu thị và siêu thị mini của Masan đã tăng trưởng thị phần từ mức 40% năm 2021 lên gần 50% vào năm 2022, theo báo cáo của masan.
Kế hoạch năm 2023 được Masan đề ra với chỉ tiêu 90.000 - 100.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 18% và 31% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Wincommerce - đơn vị vận hành chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Winmart và Winmart+ cùng với Masan Consumer - công ty chuyên sản xuất sản phẩm tiêu dùng nhanh - tiếp tục được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính của Masan trong năm 2023 với doanh thu đóng góp hơn 70%.
Cụ thể, Wincommerce dự kiến mang lại doanh thu khoảng 36.000 - 40.500 tỷ đồng, tăng 23 - 38% so với năm 2022. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm cửa hàng và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
Masan Consumer đặt mục tiêu 30.500 - 33.500 tỷ đồng doanh thu, tăng 15 - 30% so với năm 2022.
Ngoài hai mảng kinh doanh chính với kỳ vọng doanh thu tỷ đô, Masan dự kiến chuỗi Phúc Long sẽ mang lại 2.500 - 3.000 tỷ đồng doanh thu. Mảng thực phẩm (thịt lợn và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến) mang lại 8.500 - 9.000 tỷ đồng. Mảng khai khoáng (Masan High-tech Materials - vận hành mỏ vonfram Núi Pháo) mang lại 16.500 - 18.200 tỷ đồng doanh thu.
Về nguồn vốn, Masan cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế trên thị trường vốn để kéo dài thời gian đáo hạn nợ, cải thiện lãi suất và giải phóng thu nhập thông qua việc giảm nợ.
Tại thời điểm cuối năm 2022, Masan có khoản vay ngắn hạn trên 40.500 tỷ đồng và dài hạn hơn 30.400 tỷ đồng - bao gồm các khoản vay bằng trái phiếu. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Masan đã tăng 22% trong năm 2022.