Trong một căn hộ nhỏ, bừa bộn ở Thượng Hải, Lin Li (23 tuổi) cuối cùng cũng chuẩn bị đi ngủ sau nhiều giờ cắm mặt chơi Genshin Impact. Lin dành phần lớn thời gian của mình để hoàn thành các nhiệm vụ để nhận phần thưởng trong trò chơi. Nhưng điều này không phải để giải trí mà là để kiếm sống.
Lin là một trong nhiều người làm nghề cày game thuê ở Trung Quốc, hay còn gọi là "dailian". Họ là những người được trả tiền để chơi game thay cho những khách hàng không có thời gian. Người chơi sẽ giao tài khoản cho những “chuyên gia” này để tăng cấp, mở khóa phần thưởng, đánh quái, thu thập tài nguyên…
Đối với Lin và những game thủ khác, nghề này hấp dẫn nhờ sự độc lập và khả năng biến sở thích thành kế sinh nhai. Một số người làm việc toàn thời gian cho các công ty chuyên cày game thuê, trong khi những người khác lại chơi hộ trong lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Song, nghề cày game hộ cũng buộc người chơi phải dành hàng giờ trước máy tính, làm việc trong điều kiện căng thẳng và chịu sự kỳ thị của xã hội.
“Bạn không thể quyết định giờ làm việc của mình, mà khách hàng sẽ là người quyết định. Đôi khi bạn phải thức trắng đêm nếu có công việc đến muộn”, Lin chia sẻ. Kỷ lục không ngủ lâu nhất của anh là 34 giờ, do phải hoàn thành nhiệm vụ cho nhiều khách hàng cùng lúc.
Ngành công nghiệp đầy tiềm năng ở Trung Quốc
Theo World of Chinese, chơi game hộ là một ngành công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc. Khảo sát năm 2021 của iResearch ước tính có khoảng 49,8 triệu tài khoản cày game thuê trên thị trường, trị giá tổng cộng 14 tỷ nhân dân tệ.
Trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc, từ khóa “dailian” trả về hơn 30.000 kết quả. Trong đó, dịch vụ cày game thuê thường có giá từ 10-100 tệ cho mỗi nhiệm vụ hoặc cấp độ đạt được.
Nghiên cứu của GS. Hu Fengbin tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho thấy hầu hết người làm công việc này đều ở độ tuổi 20. Trong đó, nhiều người bị lôi cuốn bởi cơ hội kiếm tiền bằng cách chơi game, giữa bối cảnh thị trường thiếu thốn việc làm và mức lương thấp.
Dịch vụ cày game thuê được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: VCG.
Tuy nhiên, nghề cày game cũng có cạnh tranh cao và sự chênh lệch thu nhập đáng kể. Những người đứng top cao có thể kiếm được 20.000 nhân dân tệ/tháng, nhưng đa số còn lại kiếm ít hơn con số đó nhiều và phải chiều theo ý thích bất chợt của khách hàng.
Thu nhập hàng tháng của game thủ Lin hiếm khi vượt quá 10.000 tệ và đôi khi còn thấp hơn con số đó rất nhiều. Để so sánh, thu nhập trung bình hàng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp đại học Trung Quốc là hơn 6.000 nhân dân tệ vào năm 2023.
Nói với World of Chinese, Lin cho biết hầu hết mọi người đều có thể làm người chơi game hộ. “Trong Genshin Impact, bạn không cần bất kỳ kỹ năng nào đặc biệt. Tất cả những gì bạn cần làm là chạy, thu thập vật phẩm, mở khóa từng phần của bản đồ và hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản”, anh nói.
Trong số hơn 100 khách hàng của anh, hầu hết đều là sinh viên và nhân viên văn phòng. Họ là những người không có thời gian và sức lực để chơi game thường xuyên.
Li Ziming (26 tuổi) cho biết đã chi khoảng 2.000 nhân dân tệ để thuê người cày game hộ trong năm qua. “Tôi chọn cách thuê vì theo thời gian, niềm đam mê game của tôi, đặc biệt là với Genshin Impact, đã giảm dần. Đăng nhập chỉ để hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày thật mệt mỏi, nhưng tôi không muốn bỏ game. Thông thường, tôi sẽ thuê 2-3 người để thực hiện nhiệm vụ dài hạn, tốn khoảng 400-600 nhân dân tệ mỗi quý”, Li Ziming chia sẻ.
Áp lực công việc, định kiến xã hội đè nặng game thủ
Một trong những người được thuê là Huang Xiaochuang, sinh viên đại học 22 tuổi đến từ Quảng Đông. Huang bắt đầu công việc này khi còn đang đi học. Nhưng anh nhanh chóng nhận thấy áp lực phải tăng cấp khiến sức khỏe tinh thần ngày càng đi xuống. “Tôi cần một công việc kiếm tiền nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học của mình”, anh nói.
Huang hy vọng có thể kiếm tiền từ kỹ năng đã rèn luyện suốt 7 năm của mình trong Honor of Kings (Vương Giả Vinh Diệu). “Tôi từng thích chơi game với bạn bè. Thắng, thua không ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi. Nhưng trong ngành này, người ta cần thắng nhiều hơn và thua ít hơn. Điều này dẫn đến tinh thần lúc nào cũng ở trạng thái căng thẳng cao độ”, chàng sinh viên chia sẻ.
Tương tự, tình yêu của Lin dành cho Genshin Impact cũng giảm dần do phải chơi game lặp đi lặp lại. “Ngành công nghiệp này là nơi khiến sở thích bị hao mòn”, anh nói. Hiện tại, rất hiếm khi Lin đăng nhập vào tài khoản Genshin Impact của mình chỉ để chơi cho vui.
Áp lực kinh tế, xã hội khiến nghề cày thuê khắc nghiệt. Ảnh: Xinhua.
Song, đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây căng thẳng và lo lắng với người cày thuê. Chính trò chơi cũng tạo thêm một tầng áp lực khác. Đặc biệt là với những tựa game tăng cấp bằng các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của người chơi, chẳng hạn như cấp độ kỹ năng của đồng đội hoặc đối thủ.
“Đôi khi khách hàng không chấp nhận thất bại. Họ tin mình trả tiền cho dịch vụ này để giành chiến thắng. Nếu thua, họ chỉ mắng tôi”, Huang Xiaochuang nói.
Áp lực này có thể dẫn đến những hành vi phi đạo đức. “Một số người chơi sử dụng mánh gian lận hoặc hack để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng điều này có nguy cơ khiến tài khoản của khách hàng bị khóa vĩnh viễn”, Huang cho biết.
Ngoài những thách thức trước mắt của trò chơi, định kiện của xã hội về sở thích chơi game, xem đây không phải là nghề hợp pháp càng làm tăng thêm gánh nặng. Zhang Yi (19 tuổi) đã không nói với bố mẹ về công việc bán thời gian của mình. “Họ nghĩ chơi game là lãng phí thời gian. Tôi không muốn làm họ thất vọng”, anh nói.
Tương tự, Huang Xiaochuang cũng phải đối mặt với sự phản đối từ gia đình. “Họ không coi đó là một công việc thực sự. Họ sẽ vui hơn nếu tôi tìm được công việc nào đó ổn định và đáng tôn trọng hơn”, chàng trai chia sẻ.
Mặc dù đánh giá cao sự linh hoạt và thu nhập bổ sung nhưng anh ấy biết đó không phải là một nghề nghiệp bền vững. “Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi tốt nghiệp. Nhưng sau đó, tôi cần thứ gì đó ổn định hơn”, chàng trai kết luận.