Trong nhiều năm, Apple và Meta luôn được coi là những tập đoàn “tốt của tốt” - nơi nhân viên say sưa chia sẻ về văn hóa, lợi ích và đặc quyền. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới từ Glassdoor, hai gã khổng lồ công nghệ này không còn giữ được phong độ như trước.
Cụ thể, trong danh sách những nơi làm việc tốt nhất năm 2023, cả Apple và Meta đều vắng mặt. Năm ngoái, Meta được xếp hạng #47, giảm đáng kể so với vị trí #11 vào năm 2021. Apple xếp thứ #56 vào năm ngoái, cũng giảm đáng kể so với hạng #31 vào năm 2021.
Tiêu chí Glassdoor đặt ra dựa trên bài đánh giá ẩn danh của nhân viên đăng tải trên nền tảng. Họ xem xét “hàng trăm nghìn” công ty có 1.000 nhân viên trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 19/10/2021 đến ngày 17/10/2022, sau đó chấm trên thang điểm từ 1 đến 5: 1 là rất không hài lòng và 5 là rất hài lòng. Daniel Zhao, nhà kinh tế hàng đầu tại Glassdoor, cho biết sự vắng mặt của Apple và Meta trong danh sách năm nay là “khá kỳ lạ”.
“Apple đã có mặt trong danh sách này trong suốt 15 năm qua, ngay từ thời kỳ đầu. Meta thì có tên trong danh sách từ năm 2011. Tuy nhiên, xếp hạng 2023 không có nghĩa là Meta và Apple là nơi làm việc tồi tệ. Họ chỉ tụt hạng do mức độ cạnh tranh của danh sách trong năm nay”, Daniel Zhao nhận định. “Trong năm ngoái, việc thúc đẩy quay trở lại văn phòng của Apple đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ nhân viên. Trong khi đó Meta đang trải qua một sự thay đổi chiến lược quan trọng. Dựa trên bảng đánh giá, tôi thấy các nhân viên không chắc chắn về triển vọng”.
Trước đó, Apple thông báo toàn bộ nhân viên phải có mặt tại văn phòng 3 ngày/ tuần, bắt đầu từ 5/9/2022. Theo Tech, một nguồn tin tức công nghệ kinh doanh, 67% nhân viên không hài lòng với chính sách này và 56% bày tỏ mong muốn rời khỏi công ty.
“Tôi sẽ đến để chào, gặp gỡ mọi người rồi gửi đơn từ chức”, một nhân viên Apple nói. Người này cho hay, anh không muốn đến công ty vì quãng đường xa và phải gò ép mình 8 tiếng/ngày trong văn phòng. Nhiều người khác ủng hộ quyết định này và cho biết họ cũng sẽ làm như vậy.
Chính sách trở lại văn phòng của Apple khi đó được đánh giá là nghiêm ngặt hơn so với các công ty công nghệ lớn khác, trong khi Meta, Google và Amazon cân nhắc cho một số nhóm nhân viên làm việc từ xa lâu dài. Điều này khiến nhân viên Apple ghen tị:
“Tôi rất bối rối với quyết định của công ty. Tôi đang tìm một việc khác có thể làm từ xa hoàn toàn”, một nhân viên cho biết.
Trong một thông báo, Tim Cook thừa nhận một số nhân viên công ty không muốn trở lại văn phòng. “Nhiều người trong số các bạn mong đợi việc quay lại làm việc tại trụ sở từ lâu. Đây là cột mốc quan trọng và là dấu hiệu tích cực cho thấy chúng ta có thể gắn kết hơn với đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số xem cột mốc này là thay đổi đáng lo ngại”, Cook cho biết.
Trong khi đó, Meta gây chú ý vào ngày 9/11/2022 khi thông báo về đợt sa thải 13% bộ máy nhân sự. Trong một bức thư, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cũng cho biết sẽ “thực hiện một số bước bổ sung để giúp công ty tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn thông qua việc cắt giảm chi tiêu và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng”.
Sau thông báo trên, một số nhân viên đã lên Blind, diễn đàn thảo luận ẩn danh, để bày tỏ quan điểm. Mark Zuckerberg theo đó trở thành đối tượng bị nhiều nhân sự Meta công kích. Đa số nội dung đăng tải vào ngày Meta thực hiện sa thải đều là tiêu cực, khi đây được ví như một “trò chơi sinh tử” của ông chủ Facebook trước “tương lai vô định”.
“Metaverse là ‘cái chết’ từ từ của chúng tôi. Mark Zuckerberg sẽ một mình giết cả tập đoàn bằng tham vọng này”, một kỹ sư phần mềm bình luận.
Theo Yahoo!Finance, Blind đã ghi nhận hơn 6.000 đánh giá từ nội bộ tập đoàn kể từ năm 2020. Được biết đây là nền tảng cho phép người dùng nhận xét ẩn danh về nơi làm việc. Tài khoản đăng ký chỉ cần cung cấp địa chỉ email công việc, chức danh, vị trí... để nền tảng đánh giá trạng thái nghề nghiệp trước khi chấp nhận hoạt động. Blind cũng thường xuyên gửi yêu cầu xác thực sau một thời gian nhất định nhằm xác định xem liệu người dùng có còn làm việc ở công ty đó hay không.
Theo Rick Chen, trưởng bộ phận quan hệ công chúng của Blind, gần như tất cả các bài đánh giá đều được viết bởi các nhân viên, bởi mọi người sẽ không thể truy cập Blind sau khi bị sa thải hoặc từ chức. “Việc mất quyền truy cập sau khi thay đổi công việc sẽ không xảy ra ngay lập tức”, Rick Chen nói.
Theo Yahoo!Finance, các đánh giá tiêu cực về Meta tăng cao sau khi công ty tuyên bố sa thải 11.000 nhân sự. Hầu hết đều cho rằng Mark Zuckerberg đang đi sai hướng khi theo đuổi metaverse và đây được coi là nguyên nhân chính khiến Meta rớt danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất 2023.
Mới đây nhất, một nhóm nhân viên còn tố Mark Zuckerberg không giữ lời, 'ăn bớt' tiền trợ cấp thất nghiệp. Được biết, họ là thành viên của Chương trình phát triển nguồn Meta - một dự án thuộc Pathways Program nhằm giúp những người có nền tảng chuyên môn phi truyền thống được làm việc tại gã khổng lồ mạng xã hội.
Trước đó, trong một bức thư gửi nhân viên Meta trong thời gian sa thải, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ hỗ trợ những nhân viên thôi việc 16 tuần lương cơ bản cộng với 2 tuần bổ sung cho mỗi năm làm việc. Zuckerberg cũng nói thêm rằng Meta sẽ chi trả mọi chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhân viên và gia đình của họ trong 6 tháng.
Tuy nhiên thực tế, thành viên của Chương trình phát triển nguồn Meta chỉ nhận được 8 tuần lương cơ bản và 3 tháng COBRA (một chương trình bảo hiểm y tế cho phép nhân viên đủ điều kiện và người phụ thuộc của họ tiếp tục được hưởng lợi ích của bảo hiểm y tế). Họ không rõ tại sao gói trợ cấp thôi việc của mình lại thấp hơn so với các đồng nghiệp, trong khi họ cũng được coi là nhân viên chính thức.