CEO Mark Zuckerberg điều trần trước Hạ viện Mỹ vào tháng 10/2019 về vấn đề tiền điện tử Libra. Ảnh: Business Insider.
Ít ai còn nhớ đến Libra, dự án tiền điện tử tham vọng của Facebook khi đó, hay Lasso, ứng dụng chia sẻ video ngắn nhằm cạnh tranh với TikTok. Libra và Lasso, cùng với các dự án như Facebook Shops, Podcast, Portal, Meta Smartwatch tất cả đều đã thất bại và rơi vào lãng quên.
Những dự án thất bại
Những dự án này không để lại gì nhiều, ngoại trừ một số lượng lớn nhân viên trong bộ máy Meta.
Mark Zuckerberg đã thông báo về việc sa thải 11.000 người, khoảng 13% nhân sự công ty, và gần gấp 3 lần con số mà Twitter mới đây sa thải. Một số quyết định tăng đầu tư sai lầm và cuộc khủng hoảng doanh thu quảng cáo là các nguyên nhân Meta đi xuống và buộc phải cắt giảm nhân sự, CEO công ty giải thích.
Nhưng đây mới chỉ là một phần của câu chuyện, theo những nhân viên trong công ty và những chuyên gia theo dõi hoạt động kinh doanh của Meta từ bên ngoài. "Không chỉ do đại dịch hay Metaverse, mà là các dự án thất bại trong suốt 5 đến 10 năm qua”, một cựu nhân viên Meta nói với Wired.
Ứng dụng chia sẻ video ngắn Lasso, do Facebook phát triển nhằm cạnh tranh với TikTok, gần như đã bị lãng quên hoàn toàn sau khi đóng cửa vào cuối năm 2020. Ảnh: thatsmags.
Nhân viên này cho biết trong suốt khoảng thời gian đó gần như không có dự án nào của Meta thành công, ngoại trừ những dự án "bê nguyên" từ bên ngoài về, chẳng hạn như Stories lấy từ Snapchat.
“Khi những dự án với hàng trăm nhân sự thất bại, không bao giờ có các cập nhật chính thức, mọi người cứ ở lại và làm việc trong các thí nghiệm và nghiên cứu khác", cựu nhân viên này cho biết.
Một cựu kỹ sư khác của Meta cho biết anh đã được đưa vào công ty để làm việc trong một dự án chỉ kéo dài vài tháng trước khi đổ bể. Các kỹ sư bị "thả nổi" trong công ty mà không nhận được thông báo về tình trạng dự án hay kế hoạch tiếp theo.
Liên tục phình to
Và Meta đã tích lũy nhân sự nhanh chóng, với tư cách là một trong những công ty lớn nhất thế giới, rủng rỉnh tiền mặt và đang tìm cách bước chân vào mọi khía cạnh cuộc sống của người tiêu dùng. Năm 2017, Meta tuyển dụng 25.000 nhân viên. Năm nay, trước khi đuổi việc 11.000 người, công ty này có 87.000 nhân viên.
Trong 5 năm qua, mỗi năm số lượng nhân viên của Meta tăng trung bình 28%. Ngay cả sau lần sa thải mới đây, số nhân sự ở Meta mới vẫn gấp 3 lần so với năm 2017.
“Họ thuê quá nhiều người và và tìm cách thử rất nhiều thứ khác nhau. Zuckerberg không rõ mình muốn gì từ công ty", Bill George, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết.
Vũ trụ ảo là hướng đi mới của Meta, đang tiêu tốn hàng chục tỷ USD mỗi năm và đòi hỏi nhiều phòng ban nghiên cứu và phát triển. Ảnh: bwbx.
Việc đổi tên thành Meta cho thấy Zuckerberg cảm thấy Facebook, Instagram và WhatsApp đang trên đà đi xuống và cần phải tìm ra "miền đất hứa" tiếp theo, theo George. Nhưng các nỗ lực phát triển vũ trụ ảo và thực tế ảo đến nay không những không đem lại kết quả mà còn đẩy Meta đi lùi, với chi phí đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm và không có doanh thu.
Vụ đuổi việc hàng loạt lần này chỉ là một dấu hiệu cho tình hình phía trước không mấy khả quan của Meta, theo Dan Ives, Giám đốc điều hành và nhà phân tích cổ phiếu tại Wedbush Securities. Giống như nhiều nhà đầu tư, Ives tỏ ra lo ngại về việc Meta "bỏ bê" mảng quảng cáo, mảng kinh doanh đem lại doanh thu chính, trong khi liên tục mở rộng quy mô đầu tư và nhân sự dành cho vũ trụ ảo.
"Tôi tin rằng Mark cần từ bỏ công việc Giám đốc điều hành và thuê một Giám đốc điều hành chuyên nghiệp, giống như Microsoft, Amazon, hay Apple đã làm", George nói.
Sự cồng kềnh quá mức cần thiết là lỗ hổng chết người của Meta, theo cựu nhân viên. “Công ty tiếp tục phình to ra mà không ai nghĩ đang thuê nhân viên để làm gì", người này cho biết.