Metaverse là một khái niệm nói về thế giới thực tế ảo được tạo nên từ các công nghệ tiên phong cho cuộc cách mạng 4.0 như dữ liệu đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain,... Theo Anna Belova, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của DEVAR (một công ty Phygital), thị trường xuất bản sẽ có những biến đổi đáng kể.
Bốn xu hướng xuất bản sách trong tương lai
Chuyển đổi từ kỹ thuật số sang thực tế ảo là xu hướng đầu tiên được hướng đến. Theo khảo sát từ Pew Research, sách in vẫn đang là định dạng phổ biến nhất với khoảng 65% người trưởng thành lựa chọn. Tuy nhiên các nhà khảo sát đã nhận thấy rằng mô hình tiêu thụ sách đang bắt đầu thay đổi. Khoảng 81% người cho biết họ đọc một cuốn sách ở bất kỳ định dạng nào. Mức độ tương tác với sách điện tử thông qua các thiết bị đọc cũng tăng dần. Vì vậy chuyển đổi là nhu cầu tất yếu của sách. Không chỉ về định dạng mà cách thức và tư duy tổ chức thông tin truyền tải của sách cũng cần được làm mới.
Thứ hai, mở rộng đối tượng và phương thức tiếp cận sách. Sự ra đời của công nghệ không thu hẹp thị trường người đọc mà còn mở rộng hơn bởi Internet tạo ra một cầu nối khiến mọi người có thể tiếp cận sách một cách dễ dàng. Những người khiếm thị có thể dùng sách nói hay trong thế giới của Metaverse, người mê vận động có thể cảm nhận được cuốn sách qua các tương tác. Sách là sự phản ánh của thời đại. Nhờ công nghệ, sách sẽ trực quan hơn và có những cách thức mới để độc giả trải nghiệm câu chuyện trong đó.
Xu hướng thứ ba là đa dạng hóa tương tác của sách trong thực tế ảo. Các công nghệ mới sẽ cho phép người đọc tìm hiểu sâu hơn về thế giới sách. Bạn có thể du hành ngược thời gian với sách hướng dẫn du lịch, tương tác với các nhân vật của Jane Austen hoặc nhìn thế giới với các nhân vật của Jules Verne, thu thập được những bức ảnh và đoạn video tuyệt vời từ những trải nghiệm này.
Thứ tư, sách giáo khoa sẽ trở thành công cụ trực quan và gắn bó chặt chẽ với mô hình học tập hướng đến việc trải nghiệm. Sách giáo khoa của tương lai Metaverse sẽ bao gồm các thí nghiệm và mô phỏng an toàn, được làm sẵn. Những công cụ này có thể giúp việc học ngôn ngữ, sinh học, hình học và các môn học khác trở nên dễ dàng hơn. Những cuốn sách này cũng sẽ có các bài kiểm tra tích hợp với các kỳ thi và hệ thống chấm điểm có thể được xác minh tại nhiều trường cao đẳng và học viện trên khắp thế giới.
Thử nghiệm là yếu tố tiên quyết
Bà Anna Belova (người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của DEVAR) chia sẻ rằng: "Vào năm 2015, khi công ty của tôi bắt đầu làm việc với công nghệ AR, chúng tôi đã tiếp cận hơn 10 nhà xuất bản lớn với ý tưởng tạo sách với thực tế tăng cường và tất cả họ đều từ chối. Bây giờ nó là một ngành công nghiệp hoàn toàn khác".
Quá trình tạo sách AR không giống tạo sách thông thường. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận khác. Ngoài các biên tập viên và tác giả, đơn vị làm sách cũng cần các nhà phát triển, lập trình viên, nhà tạo mô hình 3D, nhà làm phim hoạt hình và đạo diễn âm thanh. Có rất nhiều đơn vị sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này như Sony, Google, Microsoft, Samsung Electronics... Ước tính tại Mỹ, thị trường sách AR lên tới 12,4 tỷ USD, dự báo từ năm 2022 đến 2027 được thực hiện bởi Market Research Future (MRFR).
Công nghệ AR không ngừng được phổ biến và trở thành một nguyên liệu có sẵn sẵn. Ngân hàng mô hình 3D mẫu và mạng lưới Internet đã giúp giảm bớt quy trình và tạo ra các cuốn sách AR. Từ năm 2018, nhiều cuốn sách thực tế ảo đã được ra đời. Cùng các thiết bị sẵn có như điện thoại thông minh, máy tính bảng người xem có thể bật chế độ hiển thị hoạt ảnh của sách.
Bên cạnh đó, AI có thể giúp người làm sách lồng tiếng và viết kịch bản. Các Web AR sẽ giúp độc giả xem thực tế tăng cường trực tiếp trong trình duyệt của mình. Để bước vào thực tế tăng cường, độc giả không nhất thiết phải có kỹ thuật viên chuyên môn.
Sách thực tế ảo có thể được phân thành hai loại. Loại thứ nhất đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở các đất nước phát triển. Nó có dạng một cuốn sách giấy hiển thị một số hình minh họa. Một số trong chúng có thể biến thành trò chơi tương tác. Loại thứ hai vẫn là một điều mới lạ ngay cả đối với các nhà phát hành. Đó là sách kỹ thuật số có thực tế ảo tăng cường. Người dùng tải xuống một ứng dụng đặc biệt, hướng máy ảnh vào một bề mặt nằm ngang và một cuốn sách sẽ xuất hiện trên đó. Những cuốn sách này dạy trẻ đọc bằng cách lắng nghe câu chuyện.
Loại thứ nhất đã xuất hiện tại Việt Nam. Mức giá dao động của chúng thường từ 200.000 đến 400.000 đồng. Còn loại sách thứ hai khó tìm hơn trên thị trường quốc tế bởi hiện vẫn ít sản phẩm hoàn chỉnh được tung ra thị trường. Các công ty vẫn đang thử nghiệm và trưng bày ở các triển lãm, hội sách.
Công nghệ mở ra một sân chơi mới và sự hợp tác giữa các công ty làm sách truyền thống và các công ty công nghệ hiện đại. Nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia nổi tiếng người Argentina, Jorge Luis Borges từng khẳng định rằng: "Sách sẽ không bao giờ biến mất. Điều đó là không thể xảy ra. Trong tất cả các công cụ của con người, chắc chắn công cụ đáng kinh ngạc nhất là sách của họ".