Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect dự báo nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng từ quý IV nhờ giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ và ngành BĐS dân dụng dần ấm trở lại
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông phía nam
Theo VNDirect, tại miền Nam Việt Nam, mặc dù là vùng kinh tế đóng góp GDP lớn nhất cả nước nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực lại khá hạn chế do phân bổ vốn đầu tư công cho phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực miền Nam thấp trong giai đoạn 2011-2020.
Thứ hai là đặc thù địa hình (đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long) sở hữu nhiều sông ngòi, thủy văn phức tạp, nền đất yếu, vật liệu xây dựng khan hiếm dẫn tới suất đầu tư cao hơn 1,3-1,5 lần so với khu vực khác, hiệu quả đầu tư thấp khiến các dự án khó thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Cũng theo VNDirect, kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 26% kế hoạch cả năm 2023. Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay.
Thời gian gần đây, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm xóa bỏ “điểm nghẽn” giao thông tại khu vực miền Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực này giai đoạn 2021-2025 cũng tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Tại Đông Nam Bộ, dự án đường Vành đai 3 – TP HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành sẽ là điểm nhấn chính. Do đó, VNDirect cho rằng, triển vọng triển khai thi công hàng loạt dự án giao thông lớn sẽ kích thích nhu cầu đá xây dựng tại khu vực miền Nam trong thời gian tới.
Các mỏ đá ở vị trí thuận lợi sẽ được ưu tiên huy động
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành (giai đoạn 1), đường Vành đai 3 – TP HCM và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng lần lượt là 18 triệu m3, 4,4 triệu m3 và 3,4 triệu m3.
Tuy nhiên, trữ lượng và công suất khai thác đá xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long khá hạn chế và cần phải huy động từ các khu vực lân cận. Vì thế, đơn vị phân tích cho rằng, những mỏ đá tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ được hưởng lợi chính nhờ vị trí thuận lợi và trữ lượng khai thác đá lớn.
VNDirect chỉ ra, đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
Theo đơn vị phân tích, cụm mỏ đá được dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ vị trí thuận lợi là Tân Cang và Thạch Phú – Thiện Tân. Trong đó, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 – TPHCM nhờ vị trí gần công trường nhất. Còn cụm mỏ Thạnh Phú - Thiện Tân sẽ là nguồn cung cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nằm gần sông Đồng Nai, thuận tiện vận chuyển đường thủy.
Song, VNDirect cũng chỉ ra mặt hạn chế hiện nay là việc cấp phép khai thác cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn ở cả việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đá mới.
Vì thế, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn như CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB), CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB), CTCP Hóa An (Mã: DHA)... sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2030.
Đánh giá về ngành bất động sản chung, VNDirect phân tích, ngành đã và đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực thông qua các chính sách tháo gỡ thị trường từ đầu năm đến nay như Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội và mới đây nhất là NĐ10 tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý.
Song, VNDirect cho rằng hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm. Điển hình từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013 đã gặp nhiều vấn đề bất cập. Các chính sách ban hành có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường BĐS phục hồi.
Do đó, đơn vị phân tích nhận thấy, nguồn cung bất động sản nội địa sẽ hồi phục từ quý III/2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho nhu cầu đá xây dựng trong năm tới.