Venezuela đang tận dụng tối đa tình trạng thiếu dầu thô toàn cầu, sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, khiến Mỹ buộc phải nhượng bộ đối với các lệnh trừng phạt đối với dầu thô của nước này để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Chevron (Mỹ) đã bắt đầu hoạt động trở lại tại nước này, tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Venezuela. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất đã không tăng mạnh như nhiều người mong đợi ban đầu.
Dầu thô của Venezuela chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ vào năm 2018. Tuy nhiên sau 3 năm, Mỹ buộc phải “quay xe” tìm đến Venezuela để tăng cường an ninh năng lượng trong một nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Tháng 12 năm ngoái, Chevron Corp đã gửi 2 tàu chở dầu đến Venezuela, sau khi chính phủ Mỹ chấp thuận nhập khẩu (một cách hạn chế) dầu thô từ quốc gia Nam Mỹ. Trong 2 tàu này, một tàu chở dầu thô còn một tàu chở chất pha loãng đến cho một liên doanh dầu khí của Chevron. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela bị thiếu hụt chất pha loãng cần thiết để loại dầu thô cực nặng của họ có thể sử dụng được. Khi bị Mỹ cấm vận, Venezuela chủ yếu nhập chất pha loãng từ Iran.
Chevron hiện được cấp giấy phép 6 tháng để mở rộng vai trò tại 4 liên doanh sản xuất, chế biến và xuất khẩu dầu thô cho Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế đáng kể đối với hoạt động của Chevron. Công ty không thể thực hiện các giao dịch thanh toán bao gồm thuế và tiền bản quyền cho chính phủ Venezuela hoặc PDVSA (công ty nhà nước quản lý việc khai thác dầu tại Venezuela). Họ cũng chưa được phép mở rộng thêm các hoạt động khác, ngoài hoạt động đã tồn tại trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Điều này khiến Venezuela gặp khó trong việc tái phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ. Trong khoảng 2 thập kỷ qua, cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại đây không được đầu tư, bảo trì đúng kỳ hạn.
Tuy nhiên, Venezuela cũng không ngồi im để đối tác muốn làm gì thì làm. PDVSA đã thiết lập các điều khoản chặt chẽ hơn cho người mua. Họ thậm chí tạm dừng xuất khẩu dầu thô và dầu nhiên liệu trong 1 tháng để áp đặt lại các yêu cầu thanh toán trước. Trước đó, nhiều người mua đã chậm thanh toán, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước.
Vào ngày 27/1, ước tính có khoảng 27 tàu đang đậu gần các cảng của PDVSA chờ bốc khoảng 45 triệu tùng dầu và nhiên liệu để xuất khẩu vì PDVSA yêu cầu thanh toán trước. Một hợp đồng của PDVSA giải thích rằng việc trả trước đặt công ty “ở vị trí kinh doanh thuận lợi vì nó đảm bảo thu nhập cho đất nước”.
Tuy nhiên, bất chấp việc nới lỏng biện pháp trừng phạt và PDVSA nhận được nhiều đơn đặt hàng, các nhà phân tích hàng đầu tiên rằng ngành dầu mỏ của Venezuela vẫn chưa thể bứt phá mạnh mẽ tỏng năm 2023.
“Venezuela sẽ khó tăng mức sản xuất”, nhà phân tích Francisco Goncalves của công ty tư vấn năng lượng FGE nhận định. “Ngoài hoạt động sản xuất của liên doanh Chevron, sản lượng của Venezuela trong phần lớn năm 2022 bị kẹt ở mức khoảng 650.000 thùng/ngày… cho thấy quốc gia này khó có khả năng tăng trưởng”. Trong khi đó, Chevron cho biết họ không có kế hoạch thực hiện bất kể khoản đầu tư nào trong tương lai gần.