Hôm 27/6, Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) vừa công bố một kế hoạch nhằm giảm thiểu số lượng rác thải điện tử trên toàn cầu từ những chiếc điện thoại di động hỏng, xuống cấp hoặc không được tái chế.
Theo báo cáo của GSMA, hiện có hơn 5 tỷ điện thoại di động trên toàn cầu không được sử dụng. Chúng bị ném vào tủ trong các hộ gia đình, vứt bừa bãi ở các bãi chôn hoặc bị đốt trong các lò tiêu hủy rác thải sinh hoạt.
Một khi hết vòng đời sử dụng, các thiết bị sẽ bị người dùng bỏ quên trong các hộc tủ, nhà kho… thay vì tái sử dụng hay đem đi đến các nơi tái chế.
Hiệp hội cũng khẳng định có 50.000 tấn đồng, 500 tấn bạc và 100 tấn vàng có thể được khai thác và tái sử dụng từ những thiết bị này, cũng như một lượng coban đủ để chế tạo pin cho 10 triệu xe điện.
GSMA chỉ ra rằng việc không tái chế số lượng thiết bị lớn như vậy rất lãng phí bởi việc khai thác, tinh chế và vận chuyển các kim loại quý trên tốn nhiều công sức và năng lượng.
Kế hoạch thu hồi và tái chế số lượng điện thoại cũ này sẽ bao gồm 2 bước. Đầu tiên, các nhà mạng sẽ tổ chức chương trình thu hồi điện thoại cũ, hỏng trực tiếp từ khách hàng. Con số này chiếm khoảng 20% số lượng thiết bị di động mới được phân phối trực tiếp cho khách hàng..
Sau đó, tất cả số điện thoại di động trên sẽ được sửa chữa, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho các nhà máy tái chế.
Tuy vậy, kế hoạch này vẫn còn một số hạn chế. Con số 20% trong tổng số 5 tỷ thiết bị di động hiện tại là quá ít. Và các nhà mạng cũng chưa có kế hoạch để ngăn người tiêu dùng vứt hoặc bỏ xó điện thoại họ đang sử dụng trong tương lai.
Bên cạnh đó, GSMA cũng tiết lộ rằng trong số những đại diện được hiệp hội thông báo, chưa có nhà mạng nào đăng ký chương trình thu hồi di động nói trên.
Hồi tháng 10/2022, Diễn đàn về rác thải từ trang thiết bị điện và điện tử (WEEE) đã khẳng định smartphone là một trong những sản phẩm điện tử gây đau đầu cho giới chuyên gia xử lý rác thải.