Thị trường bất động sản năm 2022 gặp nhiều khó khăn đè nén, đặc biệt là thanh khoản liên tục sụt giảm mạnh. Theo đó, các môi giới bất động sản hầu như trong năm qua đều “ngồi chơi xơi nước”, ít có giao dịch thành công. Nhiều người đã phải xoay sở sang nghề khác để kiếm tiền. Có những người tranh thủ cuối năm bán cây đào, quất để kiếm thêm tiền nhưng lại lâm cảnh ế ẩm.
Anh Nguyễn Văn Tiến - đã có 4 năm trong nghề môi giới bất động sản chia sẻ, năm qua là khoảng thời gian thực sự khó khăn với môi giới.
“Năm qua thật sự rất khó khăn với môi giới bất động sản. Sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường diễn biến khá tích cực, tưởng rằng môi giới sẽ có một năm bội thu. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 4/2022, khi các lệnh siết được thực hiện, thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng. Từ đó, tình trạng người bán nhiều hơn người mua đã xảy ra. Hầu hết mọi người chỉ hỏi cho vui và không có ý định xuống tiền. Theo đó, môi giới không có giao dịch”, anh Tiến nói.
Anh Tiến cho biết, dù đã tìm mọi cách để bán hàng như chạy quảng cáo trên các nền tảng, giới thiệu tới khách hàng cũ,...nhưng cũng chỉ nhận lại được những lời từ chối thẳng thắn. Do vậy, cả năm qua, anh chỉ có vỏn vẹn 2 giao dịch thành công. Tuy nhiên, số tiền hoa hồng từ những giao dịch này không đủ chi phí anh chạy quảng cáo, tìm kiếm khách mua những mảnh đất khác.
"Coi như cả năm qua tôi không có thu nhập, do không có giao dịch nên tiền lương tại công ty cũng bị cắt. Tôi vẫn bám trụ lại để chờ thị trường cuối năm, song lại không như mong muốn. Thị trường bất động sản vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng tới nay", người môi giới này nói.
Cuối tháng 11 âm lịch, do không có khách đi xem, mua đất nền anh Tiến tranh thủ nhập cây đào, quất bán Tết để kiếm thêm tiền. Đến nay, anh Tiến cho biết, tiếp tục lâm cảnh ế ẩm. Với số vốn bỏ ra 300 triệu đồng để nhập 200 cây quất, đào nhưng tới nay anh mới chỉ bán chưa hết một nửa.
“Năm nay kinh tế khó khăn, mọi người thắt chặt chi tiêu nên rất khó bán, nếu bán được chỉ là những cây nhỏ. Bắt đầu từ sáng 29 tháng Chạp tôi đã phải bán cắt lỗ, mong thu hồi được tiền về. Nếu bán hết được, ước tính tôi lỗ khoảng 120 triệu đồng”, anh Tiến nói.
Tương tự, anh Vũ, từng là chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, năm qua giao dịch không có nhiều, anh phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm cách 2 tháng. Tranh thủ những ngày Tết, anh Vũ cũng nhập hoa về bán, nhưng cũng lâm cảnh ế ẩm.
“Số tiền lỗ khoảng 60 triệu đồng, nhiều người thấy là không nhiều nhưng với tôi bây giờ là rất lớn. Hy vọng thị trường bất động sản sớm phục hồi để tôi quay trở lại công việc đúng chuyên môn của mình. Hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tôi cũng đi tìm công việc mới làm tạm thời để kiếm tiền trước”, anh Vũ nói.
Vừa qua, thị trường bất động sản gặp khó, nhiều môi giới lâm cảnh thất nghiệp phải chuyển tạm thời hoặc chuyển hẳn sang các công việc mới. Thậm chí có người phải đi chạy xe ôm, giao hàng,... thay vì lúc nào cũng “đóng thùng” áo sơ mi, quần âu lịch lãm như trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng "đói vốn", khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.
"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết.
Ông Đính khuyên, những người làm môi giới bất động sản còn muốn gắn bó với nghề nên chuyển sang bán những phân khúc khác có thanh khoản tốt hơn như sản phẩm phục vụ nhu cầu thực ở khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì không nên quá kỳ vọng vào thanh khoản của thị trường.