CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã APS) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, chứng khoán APEC sẽ trình cổ đông phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu được 500 tỷ đồng sẽ được cân đối để sử dụng cho mục các hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính chứng khoán, cung ứng vốn cho hoạt động margin, đảm bảo muc tiêu sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023-2024, số cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.
Sang năm 2023, chứng khoán APEC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 860 tỷ đồng. Sau một năm thua lỗ nặng tới 449 tỷ đồng, APS đặt mục tiêu kinh doanh có lãi với mức lợi nhuận sau thuế gần 230 tỷ đồng năm 2023.
Một nội dung khác tại đại hội là APS cũng trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động trong công ty (ESOP) để bổ sung vốn lưu động với số lượng không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành trong 12 tháng. Giá dự kiến phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cp, thời gian chào bán vào năm 2023-2024 và hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Thêm vào đó, HĐQT APS cũng đề xuất phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 10%.
Chứng khoán APEC thuộc hệ sinh thái “họ APEC” bên cạnh Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Các cổ phiếu này từng “làm mưa làm gió” năm 2021 với đà tăng phi mã gấp nhiều lần chỉ sau vài tháng. Cũng chính thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh huy hoàng, ban lãnh đạo công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 16/11/2021.
Song kể từ đó tới nay, không chỉ APS, các cổ phiếu “họ APEC” đều đã "lao dốc" và đánh bay mọi thành quả tăng trước đó. Hiện, thị giá APS dừng ở mốc 12.400 đồng/cp, cao hơn 24% so với mức giá chào bán tối thiểu cho cổ đông.
Mặt khác, tình hình kinh doanh của APS cũng không mấy sáng sủa. Sau khi thua lỗ kỷ lục năm 2022, trong quý 1/2023, APS ghi nhận doanh thu hoạt động gần 127 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 30 tỷ đồng. Với kết quả này, chứng khoán APEC mới thực hiện được hơn 13% kế hoạch lợi nhuận đề ra.