“Năm 2021 chúng ta đã đạt được sản lượng nuôi trồng thủy sản 4,75 triệu tấn. Với sản lượng hiện tại, chúng ta đã nằm trong top 5 quốc gia có sản lượng và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên dư địa nuôi trồng thủy sản của chúng ta còn rất nhiều, bởi nước ta có nhiều diện tích mặt nước trong hồ, ao đầm chưa khai thác hết. Đặc biệt vùng ven biển và mặt nước biển.
Chúng tôi khảo sát đánh giá sơ bộ thì cả nước có khoảng 500 nghìn ha có thể nuôi biển, trong đó có 80 nghìn ha là vùng mặt eo ngách kín gió, 170 nghìn ha diện tích mặt nước biển xa bờ và 150 nghìn ha là vùng bãi triều ven biển. Chúng ta đã hình thành chuỗi cung ứng rất mạnh, có nguồn lực, nhân lực có kinh nghiệm, có hạ tầng, có chuỗi công nghệ khép kín từ khâu giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủy sản ngày càng tăng với sự gia tăng về dân số, tuy nhiên nguồn lợi tự nhiên có hạn, vì vậy việc chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng là vấn đề tất yếu mà chúng ta đã phải bàn tới. Đây cũng là một trong những định hướng quan trọng được đề cập trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản đã được Chính phủ ban hành.
Hiện nay, trong nuôi trồng thủy sản cũng đã xuất hiện các mô hình rất hiệu quả. Tại những vùng eo kín gió như ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh phát triển nuôi cá lồng bè, hệ thống này phù hợp với quy mô nhỏ, chúng ta đã có kinh nghiệm, truyền thống để phát triển tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Về nuôi xa bờ, đã xuất hiện những mô hình với sự phát triển của khoa học công nghệ, phát triển các vật liệu mới, với những lồng nuôi làm bằng chất dẻo có thể chịu được sóng gió. Một số doanh nghiệp lớn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã phát triển mô hình nuôi này ở vùng biển Khánh Hòa, Phú Quốc…
Hiện nay, nước ta đã có một hệ thống cơ chế chính sách riêng cho nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở Luật Thủy sản, Bộ Tài nguyên môi trường đã ban hành Nghị định về giao cho thuê mặt nước biển, đã cho phép thời gian giao mặt nước biển lên đến 50 năm, gia hạn 20 năm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài đối với hoạt động nuôi biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có quy định về cấp phép trong hoạt động nuôi biển. Có thể nói chúng ta đã có bộ khung pháp lý rất quan trọng để có thể khai thác tốt tiềm năng mặt nước biển cho nuôi trồng hải sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về một số chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó sẽ có hỗ trợ những nhóm đối tượng chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng thì được giao khu vực biển trong phạm vi 3 hải lý, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khác để thúc đẩy hoạt động nuôi trồng hải sản”.
“Quảng Ninh đã đạt được những kết quả ấn tượng về phát triển nuôi trồng thủy sản: tốc độ tăng trưởng nuôi trồng hàng năm trên 10%; cơ cấu sản lượng thủy sản nuôi trồng đã vượt so với khai thác. Giá trị nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đã vượt trên 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% trong giá trị của ngành thủy sản.
Chúng tôi xác định một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nuôi biển là con giống. Do đó, về lâu dài sẽ quy hoạch lại vùng cơ sở ương dưỡng giống gắn với vùng nuôi trồng tập trung tạo ra sản lượng hàng hóa lớn với chất lượng tốt nhất.
Vấn đề thách thức lớn nhất đối với nuôi biển, chính là môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đánh giá về sức tải của môi trường, dẫn đến thách thức cả đối với người nuôi và cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy trình sản xuất tạm thời cho từng đối tượng nuôi nhưng việc áp dụng nửa vời đã dẫn đến đầu tư kém hiệu quả. Vì vậy, phát triển và quản lý nuôi trồng biển cần một giải pháp tổng thể: từ kiểm soát chất lượng con giống, rà soát sắp xếp vùng nuôi, đến đánh giá sức tải môi trường của vùng nuôi… thì mới giải được bài toán này”.
“Việt Nam là một nước xuất khẩu thủy sản, đóng góp kim ngạch cao cho GDP cả nước, bởi vậy nhu cầu nuôi công nghiệp và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ thuật là rất lớn. Trong tương lai, những nhân lực không qua đào tạo sẽ rất khó để đáp ứng được xu thế và cường độ chăn nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, bởi rủi ro là rất lớn. Chính vì thế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai là không thể tránh khỏi.
Tính trung bình hiện tại, các trường đào tạo khu vực phía Bắc, mỗi năm có chưa đến 100 sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản tốt nghiệp ra trường, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp ngành thủy sản. Hiện tại, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là phải am hiểu kỹ thuật, để có thể tư vấn cho người nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại, có như vậy mới giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm của mình.
Ngành thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây rất phát triển, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, an toàn với môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Bởi khi sản phẩm xuất sang các nước châu Âu đều đòi hỏi rất chặt chẽ về chất lượng thực phẩm. Do vậy, trong tương lai, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn rất lớn, đặc biệt là những nhân lực đã qua đào tạo”.
“Trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chuyển đổi số và nâng cấp công nghệ như là một “mệnh lệnh” để các doanh nghiệp thủy sản vươn lên, đổi mới mình. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh có tính chất đặc thù và quy mô tiêu thụ sản phẩm công nghệ mới chưa lớn, nên chưa thật sự thu hút các nhà nghiên cứu “phục vụ” kịp thời hơn cho hoạt động của ngành mình.
Do vậy, việc chuyển đổi số trong ngành chế biến thủy sản đông lạnh tuy chưa nhanh được, nhưng công đoạn nào có thể thì thực hiện. Trong bối cảnh này, chấp nhận đi theo trình tự. Khâu nào trong dây chuyền chế biến có thể cơ giới hóa, tự động hóa thì tích cực ứng dụng. Việc này giúp giảm lệ thuộc lao động, nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu rủi ro trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
So khoảng 5 năm về trước, ngành chế biến thủy sản của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Chúng ta có nhiều doanh nghiệp chuyên cung ứng thiết bị cấp đông khá tiếng tăm, đã từng xuất khẩu số lượng rất lớn. Có những doanh nghiệp đã cung ứng các thiết bị duỗi tôm, phân cỡ tôm… góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp giải phóng sức lao động khá tốt. Cũng rất mong các doanh nghiệp này tiếp tục nghiên cứu, để tạo ra thêm nhiều thiết bị mới, hữu ích, hỗ trợ tiến trình nâng tầm ngành chế biến thủy sản cao hơn nữa. Thách thức và là đề tài nóng bỏng trước mắt là thiết bị lột (sạch) tôm năng suất khá, hao hụt ít và máy phân cỡ tự động có năng suất tốt hơn”.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến khoảng 126 thị trường. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là Trung Quốc, Hoa Kỳ, khối các nước thuộc Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EU, ASEAN, Brazil.
Để ngành cá tra phát triển bền vững thì việc áp dụng các giải pháp công nghệ về cơ giới hóa là rất cần thiết. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý để tháo gỡ các nút thắt trong sản xuất và chế biến cá tra nhằm giảm chi phí nuôi, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đưa ngành cá tra phát triển bền vững hơn. Đồng thời, tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất và tốt nhất vào tất cả các công đoạn của quy trình nuôi và quy trình chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cần nhân rộng nhiều mô hình được doanh nghiệp lựa chọn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất cá tra, điển hình là dự án nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt được triển khai tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Với qui mô 600ha, được trang bị công nghệ hiện đại như hệ thống cho ăn tự động giúp giảm chi phí nhân công, hệ thống năng lượng mặt trời để giảm chi phí điện và thân thiện với môi trường”.
“Nghiên cứu thị trường ngành tôm từ đầu năm đến nay cho thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ bắt đầu chững lại từ tháng 5, giảm 36% trong tháng 6 và tiếp tục giảm 54% trong tháng 7. Trong 7 tháng năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 550 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ từ các nguồn cung đã chững lại kể từ tháng 5/2022. Nguyên nhân được cho là do tồn kho cao. Các vấn đề về logistics, vận tải như tắc cảng, giá cước vận chuyển tăng, thiếu kho lạnh cũng khiến nhập khẩu tôm của Mỹ giảm. Sức mua thủy sản trong đó có tôm tại phân khúc bán lẻ cũng giảm do hiện là mùa hè, người dân có nhiều việc khác để quan tâm hơn.
Lạm phát tại Hoa Kỳ khiến người dân chi tiêu dè dặt. Tuy nhiên thời gian tới, tình hình sẽ khả quan hơn khi thị trường việc làm Hoa Kỳ đang mạnh. Việc làm không thiếu sẽ khiến thu nhập của người dân tốt hơn và có thể thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng đối với tôm. Dự báo giá tôm tại Hoa Kỳ cũng chịu áp lực giảm trong nửa sau năm 2022.
Với thị trường Trung Quốc, sau khi ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 17% đạt 38 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 371 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến Covid-19 tại các cảng biển nhưng các quy định về nhập khẩu vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với các nhà cung cấp từ Ecuador. Ecuador đang có chiến lược đẩy mạnh xuất hàng sang Trung Quốc để bù đắp cho lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 7/2022 vẫn tăng 16% so với cùng kỳ, nhờ trợ lực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 7/2022 vẫn tăng trưởng khá ổn định, lần lượt là 5% và 22%. Cước tàu vận tải tới Nhật Bản và Hàn Quốc không cao như tới các nước phương Tây, lạm phát tại các nước này cũng chưa phải là vấn đề quá căng thẳng. Đây được coi là các yếu tố giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định trong xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường này.
Ngành thủy sản đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 12,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 6 tỷ USD, tức là vượt qua Ấn Độ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc đầu tư công nghệ để gia tăng chất lượng tôm, cần tăng sản lượng tôm nuôi để đáp ứng nhu cầu, với việc mở rộng vùng nuôi tập trung, bao gồm cả khu vực sản xuất giống là cần thiết để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tăng cường quản lý điều kiện nuôi qua mã số vùng nuôi”.