Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2023 thị trường lao động có sự phục hồi khi xu hướng tuyển dụng, tìm kiếm việc làm đều có sự khởi sắc nhất định.
Nơi tuyển dụng, chỗ cắt giảm
Điều này thể hiện qua bản tin thị trường lao động quý 1/2023 vừa được Bộ công bố mới đây. Thông qua phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của các doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm từ internet trong quý 1/2023, đã có 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 lao động tìm việc.
Xu hướng tuyển dụng yêu cầu trình độ từ đại học trở lên chiếm 49,4%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chiếm 42,3%, không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật 8,3%. Người lao động tìm việc kỳ vọng mức lương phổ biến từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm đến 40,9%; có 27,1% kỳ vọng mức lương từ 10 – 15 triệu đồng.
Trong quý 1, có 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nhà chuyên môn bậc cao; lãnh đạo và quản lý trong doanh nghiệp; nhà chuyên môn bậc trung; thợ lắp ráp và vận hành máy móc; nhân viên trợ lý văn phòng. 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng quản lý sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe; kỹ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa.
Trong khi đó, 5 nghề được người lao động đi tìm việc nhiều nhất là lao động giản đơn trong công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán và tài chính; quản lý sản xuất; quản lý nhân sự và quản lý dự án.
Mặc dù có sự khởi sắc, song Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý 2. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.
Dự báo sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong quý 2, tăng thêm 150.000 người so với quý 1 (51,1 triệu người có việc làm). Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 người. Trong khi đó, dự báo các ngành may trang phục sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in , sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Báo cáo tình hình thị trường lao động, việc làm quý 1/2023 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây phần nào củng cố thêm các dự báo trên. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù thị trường lao động quý 1 tiếp tục duy trì đà phục hồi khi lực lượng lao động, số người có việc làm tăng, song vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may - da giày; điện- điện tử... buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm trong nước trong thời gian tới.
Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, duy trì việc làm
Theo nhận định của các đơn vị kết nối cung cầu, nhà tuyển dụng, việc một số ngành nghề vẫn tăng tuyển dụng, trong khi số khác lại cắt giảm lao động, ngoài các yếu tố tác động do tình hình chung cũng là những xu hướng đan xen bình thường của thị trường lao động. Bởi nhu cầu lao động của mỗi ngành nghề, đơn vị là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tính chất công việc.
Đơn cử cũng trong ngành may mặc, nhưng một cán bộ nhân sự của Tổng công ty May 10 cho biết, từ cuối quý 1/2023, công việc của lao động ngành may ổn định hơn khi có thêm đơn hàng. Đợt này, công ty đang cần tuyển nhiều nhân sự ở lĩnh vực may, ngoài ra là các vị trí lễ tân, nhân viên maketing…, với mức thu nhập thấp nhất 7 triệu đồng/tháng.
Ở góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin, để hỗ trợ các doanh nghiệp có được nguồn lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, đơn vị này thường xuyên kết hợp với các địa phương phía Bắc để tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Theo ông Thành, Hà Nội mạnh mảng thương mại – dịch vụ và rất cần tuyển lao động tại chỗ và các tỉnh. Từ sự kết nối trực tuyến sẽ giới thiệu việc làm tới người lao động. Mặt khác, từ nguồn lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm cũng thường xuyên đẩy dữ liệu này qua sàn việc làm để các đơn vị sử dụng lao động tìm kiếm ứng viên phù hợp, có chất lượng.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhìn chung xu hướng tìm kiếm việc làm của người lao động, yêu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp không có nhiều thay đổi, song sự kỳ vọng của cả hai bên ngày càng cao hơn. Vì thế, bản thân người lao động cần tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Còn phía doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa về chế độ phúc lợi, môi trường làm việc để giữ chân người lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...
Cơ quan này cũng kiến nghị cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.