Những người trẻ ở Trung Quốc như Guo ngày càng mất niềm tin và thất vọng với công việc, cuộc sống. Một số đang quay lưng với “văn hóa hối hả” (cống hiến cho công việc nhiều nhất có thể) khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ thất nghiệp tăng cao đến làn sóng sa thải nhân viên và bất ổn kinh tế.
Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức nhiều người đã từ bỏ ước mơ và khát vọng của mình, theo CNBC.
“Tang ping”, có nghĩa là “nằm yên”, trở thành một trong 10 từ thông dụng hàng đầu trên Internet Trung Quốc năm 2021.
“‘Tang ping’ là từ chối làm việc quá sức và mặc kệ sự đời. Sự phổ biến của thuật ngữ này phản ánh sự căng thẳng và thất vọng mà giới trẻ cảm thấy”, Jia Miao, Phó giáo sư Xã hội học từ Đại học New York, Thượng Hải, cho biết.
Tháng 3 năm nay, một thuật ngữ khác xuất hiện trên mạng. “Bai lan”, có nghĩa là “để nó mục ruỗng”, phản ánh thái độ buông xuôi trong cuộc sống.
“Bai lan là nơi người trẻ từ chối nỗ lực hơn nữa vì họ không thấy bất kỳ hy vọng nào khi làm như vậy”, Miao nói thêm.
Ban đầu, thuật ngữ này được dùng để mô tả game thủ rút lui hoặc bỏ cuộc trong trận chiến khó khăn để nhận nhiệm vụ dễ dàng hơn. Sau đó, từ này trở nên phổ biến cả với những người không chơi game.
So với “tang ping” hay “quiet quitting” (bỏ việc trong im lặng), “bai lan” dường như tiêu cực hơn.
Những bất ổn
Miao cho biết cả “tang ping” và “bai lan” đều phản ánh sự cạnh tranh gay gắt mà giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt.
“Điều này còn bao gồm cả sự không chắc chắn do đại dịch Covid-19 gây ra. Năm nay, những người trẻ tuổi tìm được việc làm khó hơn rất nhiều”, bà nói.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi 16-24 là gần 20% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị toàn quốc là 5,6%. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi này là 16,2% cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc đang đối mặt với suy thoái và nhiều nhà kinh tế nghi ngờ về việc liệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5,5% hay không. Cụ thể, nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II do chính sách “Zero Covid-19” nghiêm ngặt gây ảnh hưởng nặng nề.
Trong vòng chưa đầy một năm, Guo đã bị cho thôi việc 2 lần.
Tháng 7 năm ngoái, khi đang làm việc tại công ty tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục, cô phải nghỉ việc vì chính phủ thực hiện chính sách “giảm kép” nhằm giảm bớt gánh nặng của việc học thêm bên ngoài trường học cho học sinh.
Sau nửa năm đi du lịch khắp Trung Quốc bằng gói trợ cấp thôi việc, Guo trở về nhà ở Thâm Quyến và nhận việc tại công ty bất động sản vào tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, toàn bộ bộ phận của cô bị cho nghỉ việc ngay sau đó.
“Tình hình thị trường việc làm năm nay khá tồi tệ. Thời điểm tôi cố gắng tìm công việc khác, ngành công nghệ cũng diễn ra làn sóng sa thải”.
“Tôi cũng muốn gắn bó ở một nơi, nhưng không thể tìm thấy công việc phù hợp”, cô nói thêm.
Đối với Guo, “nằm yên” đã trở thành cách trốn tránh thực tại. Sau khi không tìm được việc, cô sử dụng thời gian rảnh đi làm thêm để trang trải chi phí hàng ngày hoặc theo đuổi những sở thích khác.
Kỳ vọng xa vời
“Nằm yên” và “để nó mục ruỗng” là phản nghĩa của “thành công” ở Trung Quốc, bao gồm có thể mua nhà, lập gia đình, gây dựng sự nghiệp và có tiền bạc dư dả.
Tuy nhiên, thị trường việc làm bấp bênh khiến những kỳ vọng này ngày càng xa tầm tay với một số người, bất kể họ làm việc chăm chỉ đến đâu.
Ví dụ, việc mua nhà ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh trở nên gần như không thể đối với người trẻ có thu nhập trung bình ở Trung Quốc.
Theo Zhuge, viện nghiên cứu và giám sát thị trường bất động sản ở Trung Quốc, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của nước này cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc tế 3-6 lần. Năm 2021, giá nhà ở trung bình cao hơn 12 lần so với thu nhập trung bình.
Miao cho biết sự thiếu hụt về tính cơ động trong xã hội cùng với chi phí sinh hoạt ngày càng cao đang khiến người trẻ vỡ mộng quay lưng với những kỳ vọng như vậy.
“Nhiều người đang chọn cách trốn tránh. Họ từ chối tham gia vào các cuộc ganh đua về tiền bạc, mua nhà hoặc kết hôn”, bà nói thêm.
Qiu Xiaotian (31 tuổi), nhà làm phim, xác định “nằm yên”. Anh chỉ làm những gì cần thiết để tồn tại, không phấn đấu cho mục tiêu gì.
“Tôi từ chối đuổi theo những kỳ vọng của xã hội. Ví dụ, giá nhà quá đắt đỏ, chẳng có ích gì khi nghĩ về nó vì sẽ chỉ mang lại rất nhiều căng thẳng. Dù đã kết hôn, tôi cũng không muốn có con. Tại sao tôi phải làm vậy khi chất lượng cuộc sống của bản thân giảm sút nghiêm trọng? Tôi không thể cho con cái cuộc sống tốt đẹp”, anh nói.
Những người ở tuổi 30 như Guo được xã hội kỳ vọng sở hữu nhà riêng, có sự nghiệp thành công và gia đình yên ấm. Đó là những điều mà cô không có.
Tuy nhiên, “nằm yên” đã cho Guo thời gian để suy nghĩ về những gì mình coi trọng trong cuộc sống.
“Năm 22 tuổi, tôi lo lắng mình sẽ chẳng đạt được gì ở tuổi 30. Giờ ở tuổi này, tôi chấp nhận là người bình thường. Tôi không nghĩ giàu có hay mua được nhà là điều quan trọng nữa”, cô nói.
Một số công ty ở Trung Quốc áp dụng văn hóa làm việc “996” cực đoan, buộc nhân viên làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần. Cũng giống như “bỏ việc trong im lặng”, “nằm yên” hứng chịu phản ứng chỉ trích vì nhiều người vẫn cho rằng thanh niên nên “sẵn sàng làm việc chăm chỉ”.
Guo khẳng định chọn “nằm yên” không có nghĩa là từ bỏ bản thân.
“Mặc dù có vẻ không làm gì trong 6 tháng, tôi vẫn đang nỗ lực cho bản thân. ‘Tang ping’ cho tôi không gian để suy ngẫm về sự nghiệp và tương lai. Đó không hẳn là điều xấu”, cô nói.
Khoảng thời gian chưa có công việc chính thức cũng thôi thúc cô gái 30 tuổi theo đuổi bằng thạc sĩ tâm lý học và đặt ra các mục tiêu cho bản thân.
Tương tự, “nghỉ việc trong im lặng” không có nghĩa là bỏ việc. Đối với một số người, nó có nghĩa là thiết lập ranh giới và không làm thêm công việc ngoài giờ.
Qui đồng ý rằng “nằm yên” không phải là vấn đề lớn.
“Những người ‘nằm yên’ như tôi không phải là không đóng góp cho công ty. Họ chỉ thiếu động lực để cống hiến thêm”, anh nói.