Gia đình Nam Phi chuyển đến đảo Kapas, Malaysia năm 2019.
Biển cả luôn khiến Nadia Louw bị mê hoặc, dù là khi cô lặn ở Đại Tây Dương hay bơi trong các rạn san hô ở Biển Đông.
“Tôi biết mình sẽ chỉ hạnh phúc nếu sống gần biển và có thể kết hợp tình yêu ấy với cuộc sống hàng ngày”, cô nói với South China Morning Post.
Trong 18 năm, Louw làm bếp trưởng và quản lý nhà hàng tại quê hương Cape Town, Nam Phi. Dù thích nấu ăn và phục vụ khách hàng, công việc bận rộn khiến cô bỏ lỡ nhiều thời gian bên gia đình.
“Tôi nói với chồng rằng tôi ước mơ điều hành một khu nghỉ dưỡng nhỏ trên một hòn đảo nhiệt đới. Anh ấy thích ý tưởng đó nhưng không nghĩ nó nghiêm túc”, cô kể.
Cơ hội
Năm 2018, vợ chồng Louw và 2 con, Mila (13 tuổi) và Liam (16 tuổi) đến du lịch Malaysia và ở tại khu nghỉ dưỡng nhỏ tên Kapas Turtle Valley trên đảo Kapas. Người phụ nữ Nam Phi nhanh chóng thích nơi này.
Khu nghỉ dưỡng 8 phòng không cần nhiều nhân viên, chỉ cách đất liền 15 phút di chuyển. Vì gió mùa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gia đình có thể làm việc theo mùa và vẫn có thời gian rảnh rỗi đi du lịch.
Sau đó vài tháng, khu nghỉ dưỡng được rao bán song với mức giá ngoài tầm với của gia đình. Louw gửi email cho chủ sở hữu người Hà Lan để thương thảo.
“Tháng 9/2018, người chủ tên Peter mời tôi đến Malaysia. Ông ấy nói nếu Sylvia - vợ ông, qua đời năm 2019 vì ung thư - thích tôi và cảm thấy tôi là người mua phù hợp, chúng tôi có thể ký hợp đồng”.
Gia đình chuyển đến sống ở đảo sau khi mua lại resort.
Mọi chuyện diễn ra đúng như bà mẹ 2 con kỳ vọng. Tháng 2/2019, gia đình cô thu dọn đồ đạc, chuyển đến Kapas Turtle Valley với tư cách là chủ nhân mới.
Tuy nhiên, khởi đầu mới thú vị song cũng đem lại trở ngại cho gia đình nhỏ.
“Bọn trẻ nhớ bạn bè, người thân và phải làm quen với việc học online. Phần khó nhất với tôi có lẽ là vừa điều hành khu nghỉ dưỡng vừa hỗ trợ các con”.
Tuy nhiên, kiến thức trong ngành dịch vụ của Louw là nền tảng hoàn hảo để xây dựng thành công cho resort. Chồng cô, từng làm việc trong lĩnh vực IT, cũng có hiểu biết tốt về dịch vụ khách hàng.
“Khách thích đồ ăn của tôi. Không phải những món cao cấp tôi từng nấu ở Nam Phi nhưng chứa đầy hương vị và được tôi nấu từ trái tim”.
Mùa kinh doanh đầu tiên, các vị khách chia sẻ họ cảm thấy như là một thành viên trong gia đình khi đến resort. Đó là tín hiệu đáng mừng cho gia đình Louw.
Đến tháng 3/2020, đại dịch ập đến và Malaysia tiến hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, khiến resort nhỏ gặp khó khăn.
“Chúng tôi phải tìm cách biến đó thành tình huống tích cực”, Louw chia sẻ.
Khi đó, Mila và Liam đã sớm quen với việc học online, thậm chí còn động viên bạn bè vượt qua khi các trường học áp dụng hình thức này. Từ tháng 3 đến tháng 7/2020, gia đình 4 người chỉ ở trên đảo Kapas, nhận thịt và rau tươi 2 lần/tuần từ đất liền, những thứ khác đành chấp nhận thiếu hụt hoặc tự làm.
“Con gái tôi rất thích đồ ngọt và ước mơ trở thành thợ làm bánh. Vì vậy, con bé dành hết thời gian rảnh tập nướng bánh và giờ có thể làm tất cả món tráng miệng trong thực đơn cho khách”, bà mẹ kể.
Trong khi cư dân ở đất liền bị giới hạn trong nhà, gia đình nhỏ có phần tự do hơn và có thể ra ngoài tận hưởng đại dương mỗi ngày.
“Chúng tôi lập danh sách tất cả loài cá, có thể ngắm nhìn chim làm tổ gần nhà trong thời gian vắng bóng khách du lịch và thuyền. Nhiều đàn cá lớn bắt đầu tập trung trước khu resort, thậm chí có cả cá mập vây đen”.
Cả gia đình cũng tham gia một khóa học lặn và chương trình tình nguyện bảo vệ loài rùa xanh.
Hài lòng với cuộc sống
Louw luôn biết cuộc sống ở một thiên đường như đảo Kapas sẽ đi kèm một cái giá.
“Nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ có đại dịch. May mắn, chúng tôi vẫn sống sót và cuộc sống, việc kinh doanh đang trở lại bình thường”.
Với đại dương ngay trước cửa nhà, Louw có thể thỏa mãn niềm yêu thích bơi lội của mình. Đối với cô, bơi lội “như một kiểu thiền định hoặc cách để thoát khỏi tiếng ồn”.
Liam cũng thừa hưởng niềm đam mê biển của mẹ, chàng thiếu niên thích lặn và chèo SUP. Mặc những thăng trầm của cuộc sống trên đảo, Liam coi mình là người may mắn.
Các phòng nghỉ cho khách ở khu resort.
“Có một cảm giác tự do mà nếu không sống ở đây, tôi sẽ không biết được. Tôi có thể gặp gỡ những người lạ từ khắp nơi, tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau mà không cần đi đâu cả”.
Vì đảo ít cư dân, hầu hết bạn bè của Liam và Mila là con của những vị khách. Khi không làm việc tại resort sau giờ học, hai anh em tham gia các hoạt động trên bãi biển hoặc nơi nào đó ở đảo. Mila còn học piano mỗi tuần một lần trên đất liền ở Kuala Terengganu.
“Đây không phải cuộc sống tuổi teen điển hình, cũng có lúc cô đơn, nhưng chúng tôi thường xuyên đi thăm bạn bè ở đất liền và gặp gỡ bạn mới ở khu nghỉ dưỡng”, Mila chia sẻ.
Nicholas Smith, chồng Louw, cũng trân trọng cơ hội sống chậm lại và gần gũi thiên nhiên. Điều thay đổi lớn nhất ở anh là luôn phải nở nụ cười trên môi với khách và đón mặt trời mọc, lặn vào cùng khoảng thời gian trong ngày. Dù vậy, anh chưa từng hối tiếc.
“Giấc mơ của vợ cũng đã trở thành của tôi. Ưu điểm lớn nhất là cơ hội ở bên con cái nhiều hơn và sở hữu điều gì đó cho mình”, anh nói.