Chỉ cần lướt nhanh vài phút trên Instagram là có thể dễ dàng đếm được có bao nhiêu người trong danh sách bạn bè đang đi nghỉ dưỡng, xem hòa nhạc hoặc thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời ở ngoài trời.
Theo CNBC, xu hướng “du lịch trả thù” và “chi tiêu trả thù” đã tăng mạnh ngay sau khi các lệnh hạn chế của đại dịch được dỡ bỏ. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần ảnh hưởng vào làn sóng này.
Tuy chi phí cho những cuộc vui ngày càng tốn kém, nhiều người Mỹ vẫn sẵn sàng vay nợ để thỏa mãn cơn khát du lịch và giải trí.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nhìn thấy các KOL, influencer (người có ảnh hưởng), thậm chí là bạn bè dùng bữa ở những nhà hàng sang trọng, nghỉ mát hoặc mua sắm quần áo cũng tạo ra tâm lý “phải giống họ” khó cưỡng lại.
Theo báo cáo gần đây của Credit Karma, gần 40% thanh niên cho biết họ tiêu nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm thay vì nhu cầu cần thiết của bản thân như thanh toán hóa đơn. Một phần là vì họ muốn chia sẻ điều đó trên mạng xã hội.
Mặc dù phần lớn nhóm trẻ tuổi này nói rằng các nền tảng như Instagram và TikTok có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng tài chính của họ, nhưng nỗi sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là FOMO (Fear Of Missing Out), lại tác động lớn hơn.
Năm nay, khi đám cưới bùng nổ tại Mỹ, hơn 50% người tham gia khảo sát cho hay họ sẵn sàng chi nhiều hơn mức bình thường cho những sự kiện này do không thể tham dự bất cứ hoạt động nào vào thời gian Covid-19 bùng phát.
Trung bình mỗi người sẽ dự 2,5 hôn lễ trong năm 2022 và chi khoảng 1.000 USD cho một lần.
1/3 nói rằng hội chứng sợ bỏ lỡ cũng là nguyên nhân khiến họ cố gắng có mặt đủ ở các đám cưới dù tài chính không dư dả. Tỷ lệ này ở Gen Z là 50% và Millennials là 45%.
Trong khi đó, đa số người dân ở xứ cờ hoa cũng cho hay mức thu nhập hiện tại khiến họ căng thẳng trong bối cảnh lạm phát leo thang với tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1981.
Với gánh nặng tài chính bổ sung từ khoản nợ sinh viên và chi phí nhà ở cao ngất ngưởng, gần 30% Gen Z trong độ tuổi từ 18 đến 25 quyết định sống với gia đình và 1/4 thế hệ Millennials cũng có xu hướng tương tự.
Trong số những người đã tự dọn ra ở riêng, 32% cho biết khoảng một nửa tiền lương hàng tháng của họ dành cho khoản thuê nhà hoặc thế chấp.
Tuy nhiên, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao đã không làm giảm tâm lý chi tiêu FOMO, theo Colleen McCreary, trưởng nhóm vận động tài chính tiêu dùng tại Credit Karma.
“Nhiều người làm như vậy để tạo ấn tượng trong mắt người khác. Tuy nhiên, nếu thu nhập không tỷ lệ thuận với việc giá cả tăng liên tục, người trẻ sẽ nghèo nhanh hơn và gặp khó khăn ngay lập tức”, cô nói.