Theo CNBC, việc tổ chức đám cưới tại Ấn Độ là một ngành kinh doanh có lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, quy mô của các bữa tiệc trong năm nay đã không còn như trước kia.
Đám cưới tại Ấn Độ bao gồm các bữa tiệc xa hoa kéo dài một tuần. Cùng với đó là các nghi lễ tôn giáo phức tạp, trang phục lộng lẫy, dàn vũ công, ca sĩ và cả những món đồ trang sức sang trọng.
Mùa cưới tại Ấn Độ thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Đây được coi là khoảng thời gian tốt lành trong văn hóa của quốc gia này.
Không cần mời quá nhiều khách
Theo Nikkei Asia, Liên đoàn Thương nhân Toàn Ấn Độ (CAIT) ước tính có 3,2 triệu đám cưới đã diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái.
Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp tổ chức tiệc cưới đã thu về 3.750 tỷ rupee (khoảng 46 tỷ USD), tăng mạnh so với mức 2.500 tỷ rupee (30,7 tỷ USD) vào năm 2019.
Những đám cưới ở Ấn Độ từ lâu đã nổi tiếng về độ xa hoa khi số lượng khách mời tại mỗi bữa tiệc có thể lên tới 1.000 người. Điều đó cũng góp phần không nhỏ khiến chi phí tổ chức đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, suy nghĩ của thế hệ Millennials (những người sinh năm 1981-1996) ở Ấn Độ đã thay đổi. Nhiều người cho rằng chi phí tổ chức đám cưới càng thấp càng tốt.
Bà Tina Tharwani, đồng sáng lập Công ty tổ chức đám cưới Shaadi Squad có trụ sở tại Mumbai, cho biết các cặp đôi đang có xu hướng ngừng chạy theo những đám cưới đắt đỏ để hướng tới những buổi lễ thân mật với danh sách khách mời ít hơn.
Số lượng khách mời đã không còn quá quan trọng. Trải nghiệm của khách đang dần trở thành vấn đề đáng được lưu tâm hơn
Bà Smita Gupta, nhà sáng lập Công ty tổ chức đám cưới Wedlock Events có trụ sở tại Delhi
“Sự thành công của đám cưới phụ thuộc vào khách mời. Tuy nhiên, ngày nay, số lượng khách mời đã không còn quá quan trọng. Trải nghiệm của khách đang dần trở thành vấn đề đáng được lưu tâm hơn”, bà Smita Gupta, nhà sáng lập Công ty tổ chức đám cưới Wedlock Events có trụ sở tại Delhi, nhận định.
“Nếu bạn mời 600 khách đến dự đám cưới của mình, bạn sẽ phải trả thêm tiền”, chị Manika Singh, 29 tuổi, cho biết. Vào tháng 12 năm nay, chị dự định chỉ mời tối đa 250 khách cho đám cưới của mình.
Chi phí ăn uống không hề rẻ
Tuy nhiên, việc cắt bớt danh sách khách mời của chị Manika Singh không hề đơn giản. Để đáp ứng mong muốn của cha mẹ, chị Singh vẫn phải tổ chức thêm một bữa tiệc lớn tại nhà cho 300 vị khách mời.
“Tôi còn chẳng biết một nửa số vị khách trên là ai. Họ chỉ là người quen của bố mẹ”, chị Singh chia sẻ và cho biết thêm đây là một thực tế phổ biến tại Ấn Độ. Các cặp vợ chồng thường buộc phải tổ chức đám cưới theo ý của bố mẹ để làm yên lòng gia đình.
Dù các cặp đôi đã cắt giảm quy mô đám cưới, chi phí tổ chức vẫn không thuyên giảm là bao. Bà Gupta cho biết ngay cả khi danh sách khách mời ít hơn, số tiền dành cho địa điểm, đồ ăn và vật dụng trang trí vẫn là những khoản không hề nhỏ.
Chị Singh cho rằng lạm phát đã đẩy giá lương thực lên cao và khiến giá gạo tăng vọt. Theo Reuters, dù lạm phát của Ấn Độ trong năm ngoái đã giảm từ 5,88% vào tháng 11 xuống còn 5,72% trong tháng 12, giá ngũ cốc và sữa vẫn tiếp tục tăng.
Chị Singh cho biết thức ăn là mặt hàng đắt nhất trong cả bữa tiệc trưa và tiệc cưới. Tuy chị Singh đã cắt giảm số lượng khách mời trong ngày vui của mình, các chi phí dành cho trang phục và trang sức vẫn tiêu tốn đến 700.000 rupee (gần 8.600 USD).
Vàng tăng giá không phải vấn đề
Theo ông Ramesh Kalyanaraman, Giám đốc điều hành của Kalyan Jewellers, việc giá vàng tăng cao không khiến các cặp vợ chồng sắp cưới tại Ấn Độ ngừng mua các món đồ trang sức quý giá cho ngày trọng đại.
Ông Kalyanaraman cho biết chi phí mua vàng tăng cao có thể khiến các cặp đôi đợi thêm vài tuần để chờ đợi đợt giảm giá. “Đó không phải là sự sụt giảm doanh số bán hàng. Đây chỉ là sự chậm trễ trong việc mua hàng của họ”, ông Kalyanaraman chia sẻ.
Ông Kalyanaraman cho biết giá trang sức đã tăng cao hơn trong thời kỳ đại dịch. Điều này xuất phát từ việc mọi người không thể chi tiền cho những hoạt động giải trí hoặc thuê sảnh cưới lớn do các hạn chế của chính phủ.
“Trang sức vàng không phải là phụ kiện thời trang. Nó thực sự là một phần của các phong tục và nghi lễ", ông Kalyanaraman bình luận.
Ông Kalyanaraman cho biết thêm ở một số thành phố của Ấn Độ, cha mẹ bắt đầu mua vàng cho con gái từ khi còn nhỏ. Bộ sưu tập vàng của bé gái sẽ tiếp tục được bổ sung trong quá trình trưởng thành. Nhiều món trang sức trong đó sẽ được cô dâu đeo trong ngày cưới.