Nhiều sàn thương mại điện tử bắt đầu các đợt sale lớn cuối năm thu hút khách hàng. Ảnh: Phương Lâm.
Giỏ hàng này là thành quả “lướt” sàn thương mại điện tử hàng đêm của Dương Mỹ (25 tuổi, quận 4, TP.HCM) kể từ giữa tháng 10 tới nay.
Ngoài các sàn trong nước, nữ nhân viên văn phòng bắt đầu chuyển sang săn sale trên cả nền tảng ở nước ngoài khoảng 2 năm trở lại đây, thường tập trung vào các ngày hội mua sắm cuối năm như Lễ Độc thân 11/11 hay 12/12. Trung bình, cô mua khoảng 7-10 sản phẩm cho mỗi lần thanh toán giỏ hàng, tốn 1-3 triệu đồng bao gồm phí vận chuyển.
Thời gian giao hàng khá lâu, có thể đến hơn 1 tháng do tốc độ thông quan chậm, hoặc các shop nước ngoài chậm trễ trong việc đóng gói và gửi sản phẩm.
Tuy nhiên, Dương Mỹ không ngại việc chờ đợi.
“Một tháng nữa hàng về là vừa kịp cho các bữa tiệc cuối năm. Hơn nữa, Tết Nguyên đán năm nay đến rất sớm, ngay giữa tháng 1. Tôi thấy mua sắm quần áo dần từ bây giờ là khá phù hợp”, cô nói với Zing.
Không chỉ Mỹ, nhân các đợt khuyến mãi cuối năm, nhiều người tận dụng mua sắm sớm những sản phẩm cần thiết cho các cuộc tụ tập và Tết Nguyên đán. Mỗi người lại có bí quyết riêng để tậu được món đồ ưng ý với giá hời.
Quý IV hàng năm luôn là thời điểm thị trường thương mại điện tử sôi động với hàng loạt sự kiện nối tiếp như ngày đôi 10/10, 11/11, 12/12 hay Black Friday. Đây cũng là giai đoạn các sàn chi mạnh tay nhất để kích cầu cuối năm.
Quý IV hàng năm, thị trường thương mại điện tử sôi động với hàng loạt sự kiện nối tiếp như 10/10, 11/11, 12/12, Black Friday. Ảnh: Phương Lâm.
Săn sale trong, ngoài nước
Có nhiều lý do để Dương Mỹ chọn mua sắm cả ở sàn thương mại điện tử nước ngoài.
Thực chất, cô không cần trực tiếp săn từng chiếc voucher hay canh giờ giảm giá. Trên mạng xã hội có nhiều người nhận làm dịch vụ này, chỉ tính thêm một chút phí. Khách hàng chỉ việc lựa chọn các sản phẩm, bỏ vào giỏ hàng.
Nữ nhân viên văn phòng cho biết việc mua sản phẩm trực tiếp từ sàn thương mại điện tử nước ngoài giúp cô tiết kiệm một khoản kha khá.
“Cùng một sản phẩm, cửa hàng có thể bán giá gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba. Đương nhiên, họ phải mất nhiều chi phí khác như tiền thuê mặt bằng, nhân viên hay cho phép khách thử đồ’”, cô nói.
Một đơn hàng mua sắm của Dương Mỹ, gồm 8 chiếc quần áo, trị giá gần 2 triệu đồng.
Dương Mỹ cũng cảm thấy có nhiều lựa chọn mua sắm hơn. Các mẫu mã trang phục, phụ kiện rất đa dạng, hợp trend với mức giá vừa phải.
Cô thường chỉ chọn mua ở những cửa hàng uy tín, đánh giá cao, hoặc các sản phẩm nhận nhiều lượt phản hồi tích cực, kèm theo hình ảnh và video.
Bên cạnh đó, Dương Mỹ muốn tránh xa “cơn ác mộng” mua sắm tại các cửa hàng thời trang dịp cận Tết.
Ngoài việc ngại chen chúc, cô nhận thấy các sản phẩm được giảm giá hầu như là mẫu cũ, hàng tồn kho. Một số cửa hàng cũng không cho phép khách thử đồ đối với các sản phẩm dán mác sale.
Dù giỏ hàng online hiện có 50 sản phẩm, đa dạng từ quần áo, giày dép đến túi xách, nữ nhân viên văn phòng cho biết có thể cô sẽ mua không quá 15 món đồ.
Để kiềm chế mua sắm quá tay, cô bỏ sản phẩm mình yêu thích vào giỏ hàng. Khoảng 3-7 ngày sau, cô sẽ cân nhắc xem liệu mình có thực sự cần món đồ đó hay không trước khi bấm nút thanh toán.
“Sẽ không tránh khỏi tình trạng sản phẩm đó đã bị bán hết, nhưng tôi vẫn còn vài chục món đồ khác đang trong giỏ cơ”, cô nói.
Trong khi đó, Minh Hòa (24 tuổi, Hà Nội) cũng ngóng chờ đợt giảm giá lớn trong năm, nhất là các mặt hàng thời trang mùa đông.
Bên cạnh đó, Hòa dự định sắm luôn một số phụ kiện trang trí nhà, phòng dịp cận Tết bận rộn hoặc sản phẩm cháy hàng.
“Bình thường, tôi thường sắm Tết trước khoảng 2-3 tuần song năm nay Tết sớm, lại sắp có tới vài đợt sale đậm nên tôi tranh thủ luôn”, cô cho biết.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Hòa cũng sắp xếp được thời gian để canh mã giảm giá. Nếu quyết định mua, cô sẽ ưu tiên tập trung vào các món bình thường có giá cao song được giảm đậm dịp sale.
Với nữ nhân viên văn phòng, dịp giảm giá lớn không có nghĩa là “bạ đâu rẻ thì mua đó” mà vẫn cần cân nhắc, chủ yếu thiên về quán quen hoặc từng mua sắm sản phẩm để tránh tình huống phải "rước bực" vào người sau mùa sale.
Minh Hòa (24 tuổi, Hà Nội) cũng ngóng chờ đợt giảm giá lớn trong năm, nhất là các mặt hàng thời trang mùa đông. Ảnh: Phương Lâm.
Chiến thuật mua sắm
Tương tự năm trước, để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm với những buổi tiệc sôi động và các kỳ nghỉ Tết dài ngày, Minh Nguyễn (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu lên kế hoạch mua sắm từ đầu tháng 11.
Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán chỉ cách nhau chưa đầy 3 tuần, nên cô cảm thấy có chút gấp gáp hơn.
Minh Nguyễn lập nhóm chat chung với đồng nghiệp để cùng nhau săn sale.
Sau khi tính toán, cô ưu tiên săn sale quần áo trên sàn thương mại điện tử nước ngoài vào ngày 11/11 bởi mất nhiều thời gian vận chuyển.
Vào những dịp giảm giá còn lại, cô sẽ mua tại các nền tảng phổ biến trong nước, chủ yếu là mỹ phẩm và đồ chăm sóc da.
“Càng gần các dịp lễ Tết, lượng mua bán càng tăng cao, dẫn đến tình trạng tắc biên. Vì vậy, tôi cần mua sắm dần”, cô chia sẻ.
Minh Nguyễn còn “đứng đầu” nhóm săn sale của văn phòng. Trước mỗi đợt giảm giá lớn, cô sẽ chia sẻ những mặt hàng dự định mua vào nhóm chat và gom đơn của những người có chung nhu cầu.
Một số đồng nghiệp cũng gửi sản phẩm họ muốn mua để nhờ cô xem mức giá dự kiến sau giảm.
Nữ nhân viên văn phòng cho biết hầu hết thành viên trong nhóm này đều đã lập gia đình và ít quan tâm đến chuyện mua hàng online. Từ khi chuyển về công ty cách đây một năm, cô bắt đầu rủ các chị cùng nhau mua sắm.
Hoạt động này đã giúp cô nhanh chóng hòa nhập và gắn kết đồng nghiệp ở môi trường mới. Hơn nữa, việc gom đơn hàng giúp cô tối ưu hóa các mã giảm giá. Nhiều voucher giảm sâu chỉ áp dụng với những đơn hàng trị giá từ vài trăm nghìn đồng trở lên. Tuy nhiên, cô cũng không quá thất vọng nếu lỡ mất deal hời.
Giỏ hàng gần 300 sản phẩm dự định mua của Minh Nguyễn và các đồng nghiệp.
“Tôi coi việc săn sale như duyên số vậy. Nếu trượt lần này, tôi vẫn sẽ có những đợt giảm giá khác”, cô chia sẻ.
Không phải là tín đồ săn sale song đợt khuyến mãi 11/11, Diễm Hằng (sinh năm 2002, Bắc Ninh) cũng đã bỏ sẵn trong giỏ hàng kha khá món đồ.
“Tôi từng tập tành canh me nhưng thấy khó quá, bình thường cũng hay mua đồ sẵn nên tôi không quá đặt nặng chuyện phải mua được gì dịp này, nhưng cũng muốn thử xem sao. Đặc biệt nếu thấy có các mặt hàng gia dụng hay đồ trang trí có thể dùng cho Tết, tôi sẽ mua luôn”.
Để tránh mua phải hàng kém chất lượng hay “hàng xả, lỗi”, Hằng sẽ tìm hiểu kỹ về nhận xét của khách hàng dành cho shop đó, số lượng hàng đã bán ra cũng như giá cả, mô tả sản phẩm, không vì ham rẻ mà mua đồ không cần thiết hoặc nghi ngờ chất lượng.
Trong ngày đôi của tháng 11, Shopee tổ chức chương trình “11.11 Siêu Sale - Sale Freeship lớn nhất năm”. So với năm ngoái, quy mô đợt sale Ngày độc thân của các sàn, đặc biệt là Shopee, có xu hướng thu hẹp và khiêm tốn hơn.
Trong khi đó, Lazada triển khai lễ hội mua sắm 11/11 “Sale Bom Tấn”. Khác đối thủ, sự kiện ưu đãi của Lazada chỉ diễn ra một ngày duy nhất.
Trong khi đó, Tiki tổ chức tuần lễ mua sắm Astra Day 11.11 kéo dài từ ngày 7-12/11.
Tính đến quý I/2022, Shopee chứng kiến 84,5 triệu lượt truy cập/tháng, cao gấp 5 lần đối thủ cùng ngành. Chiều ngược lại, tổng lưu lượng truy cập của ba sàn lớn là Lazada, Tiki, Sendo mới đạt 35,2 triệu lượt, chưa bằng một nửa của Shopee.
Báo cáo của công ty nghiên cứu dữ liệu Metric cho biết từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, Shopee nắm 72% thị phần, Lazada sở hữu 20,9% thị phần, số lượng ít ỏi còn lại thuộc về các sàn như Tiki, Sendo.