Đó là cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên. Sáu nước thành viên trong OPEC (tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) thỏa thuận cùng nâng giá dầu thô, đồng thời quyết định mỗi tháng giảm đi 5% lượng sản xuất dầu thô cho đến khi Israel rút quân khỏi vùng chiếm đóng của các nước Ả Rập. Quyết định này đã dẫn đến sự tăng vọt giá dầu thô.
Giá dầu thô đầu năm 1973 có giá 1 đôla/thùng (barrel), đến cuối năm đã tăng lên thành 11 đôla. Là một quốc gia phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu mỏ ngoại nhập, Hàn Quốc đã bị giáng một đòn chí mạng. Việc tăng giá dầu còn dẫn đến vật giá leo thang do Hàn Quốc lúc này vẫn lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Ngân sách dành cho việc nhập khẩu dầu thô từ 200 triệu đôla năm 1972 tăng lên thành 1 tỷ đôla hai năm sau đó. Với khoản dự trữ ngoại tệ trên dưới 1 tỷ đôla, Hàn Quốc bị đẩy vào thời kỳ khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng. Khủng hoảng dầu mỏ cũng là một cú sốc nặng với Chung Ju-yung khi ông đang tập trung kinh doanh ngành công nghiệp nặng và hóa chất.
Nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nên số đơn đặt hàng trong ngành xây dựng ở nước ngoài cũng sụt giảm hẳn. Nền kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp do đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài. Điều này dẫn đến thời kỳ đen tối của ngành xây dựng trong nước.
Ngoài ra còn có một cuộc khủng hoảng khác. Xưởng đóng tàu mà Chung Ju-yung quyết tâm xây dựng được hoàn công vào năm 1974, ngay sau khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra. Số lượng đơn đặt hàng rớt thảm hại trong khi bao nhiêu vốn liếng đều đã đổ hết vào việc xây dựng xưởng, nên công ty rơi vào cuộc khủng hoảng vốn.
Trong tình hình đó, Chung Ju-yung quyết định đi tìm cơ hội ngay trong tâm khủng hoảng. Một nơi duy nhất vẫn còn nhiều tiền, một nơi đã đẩy toàn thế giới vào cơn ác mộng, một nơi vẫn đang hân hoan buôn bán dầu, không đâu khác chính là Trung Đông.
Ông bày tỏ ý định đầu tư vào Trung Đông: “Muốn kiếm tiền phải đến nơi nào có nhiều tiền".
Mục tiêu đầu tiên của ông là dự án vịnh Jubail ở Ả-rập Xê-út. Năm 1975, chính phủ nước này công bố kế hoạch xây dựng cảng công nghiệp ở Jubail, nơi tập trung các giếng dầu ở miền Đông. Dự án được mệnh danh là dự án lớn nhất thế kỷ XX, và chỉ riêng tiền xây dựng đã lên đến 930 triệu đôla, số tiền này tương đương với 460 tỷ won, bằng một nửa ngân sách nhà nước thời bấy giờ.
Chính phủ Ả-rập Xê-út đã công bố 9 trên 10 doanh nghiệp ứng cử xây dựng công trình thương cảng Jubail, đó là các doanh nghiệp đến từ Mỹ, Anh, Tây Đức, Hà Lan, Pháp. Vì đây là một dự án trọn gói lớn nhất thế giới nên cả đơn vị phát thầu là Chính phủ Ả-rập Xê-út lẫn các doanh nghiệp dự thầu đều căng thẳng.
Chung Ju-yung hạ quyết tâm bằng mọi giá sẽ chiếm được vị trí cuối cùng còn lại trong danh sách đó. Điều quan trọng trước tiên là phải lọt được vào danh sách 10 doanh nghiệp ứng cử.
Chung Ju-yung đã tìm được một cơ hội. Ông lấy mọi tài liệu liên quan đến dự án từ công ty Appledore và Ngân hàng Barclays từ thời làm xưởng đóng tàu, sau đó đăng ký vị trí còn trống cuối cùng. Cuối cùng, doanh nghiệp của ông cũng được chọn đủ tư cách dự thầu, trở thành doanh nghiệp thứ 10 trong danh sách.
Tuy nhiên, điều khoản vẫn yêu cầu nộp 20 triệu đôla làm tiền bảo lãnh dự thầu. Dù chính phủ Hàn Quốc đã đứng ra bảo lãnh, nhưng họ không chấp nhận cách này. Nhân viên Công ty Xây dựng Hyundai ghi lại toàn bộ hình ảnh của nhà máy xi măng, nhà máy chế tạo ôtô, xưởng đóng tàu trong một đoạn phim rồi gửi cho các ngân hàng, kêu gọi họ cấp đơn bảo lãnh.
May mắn thay, Ngân hàng Quốc gia Bahrain đã chịu đứng ra bảo lãnh chỉ bốn ngày trước khi đấu thầu.
Một vấn đề khác tiếp tục nảy sinh là lúc này, Chung In-yung đang giữ chức Giám đốc Công ty Xây dựng Hyundai, nhưng ông kịch liệt phản đối việc tham gia dự án xây dựng thương cảng Jubail.
Theo ông, không thể đánh liều làm một công trình cả tỷ đôla như vậy trong khi công nghệ và trang thiết bị vẫn còn thiếu thốn. Một công ty đang suy giảm sức cạnh tranh như Hyundai muốn thắng được thầu trong dự án thương cảng Jubail sẽ không tránh khỏi việc phải phá giá, dẫn đến việc công ty tiếp tục bị đẩy vào khủng hoảng tài chính.
Chung In-yung ngày nào cũng gửi điện tín sang đoàn công tác của Hyundai ở Ả-rập Xê-út lệnh cho họ bỏ thầu. Trong khi đó, Chung Ju-yung cũng gửi điện tín liên tục cho họ với nội dung là nếu chưa lấy được hợp đồng thì chưa được trở về. Hai anh em bất đồng ý kiến khiến cả đoàn rối loạn.
Cuối cùng, Chung Ju-yung đành ra quyết định chuyển công tác Chung In-yung sang công ty sản xuất thiết bị công nghiệp nặng ở Gunpo. Về sau, Chung In-yung tách ra sống riêng sau khi nhận phần của mình là Công ty Hyundai Yanghaeng.
Sau bao nhiêu khổ ải, cuối cùng, Công ty Xây dựng Hyundai cũng lấy được hợp đồng với giá dự thầu chỉ bằng một nửa so với giá thầu của các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đưa ra.
Thời hạn thi công cũng được cam kết rút ngắn đi 8 tháng so với 44 tháng như yêu cầu.
Chính tinh thần bền bỉ, dám đương đầu với mọi thách thức của Chung Ju-yung đã viết nên lịch sử ở Trung Đông, giúp ngành xây dựng nóng lên như mặt trời ở Ả-rập. Trong quá trình thi công, Chung Ju-yung thấy không dễ đổ khung bê tông cốt thép tại hiện trường nên tự sản xuất các loại máy móc, thiết bị và vật liệu tại xưởng đóng tàu Ulsan, sau đó dùng xà lan vượt qua 3 vạn hải lý để chở đến Ả-rập Xê-út.
Cơ hội nối tiếp cơ hội, Hyundai tuy đã nếm trái đắng trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ ngay sau khi khởi công nhà máy đóng tàu, nhưng nhờ việc đầu tư vào Trung Đông mà công ty thoát khỏi những khó khăn về tài chính.
Dự án thương cảng Jubail là phát pháo đầu tiên cho hàng loạt dự án đầu tư vào Trung Đông của các công ty xây dựng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp ồ ạt nhảy vào khi nghe tin làm ngành xây dựng tại Trung Đông đầy hứa hẹn.