Trong một tuyên bố, Fed cho biết họ sẽ cấp thêm vốn cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện để “giúp đảm bảo các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền” và việc họ “sẵn sàng giải quyết mọi áp lực thanh khoản có thể phát sinh”, Financial Times đưa tin.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra cùng với cơ sở cho vay mới, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jay Powell và ông Martin Gruenberg - Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang - cho biết tất cả người gửi tiền của ngân hàng Silicon Valley sẽ có quyền tiếp cận tiền của họ vào ngày 13/3.
Trong một hành động liên quan, chính phủ Mỹ đã đóng cửa ngân hàng Signature, một đối thủ của SVB đang trên bờ vực sụp đổ trong những ngày gần đây. Khách hàng của Signature sẽ nhận được một thỏa thuận tương tự, đảm bảo rằng ngay cả những khoản tiền gửi không được bảo hiểm cũng sẽ được trả lại cho họ vào ngày 13/3.
“Thứ hai (ngày 13/3) chắc chắn sẽ là một ngày căng thẳng đối với nhiều người trong lĩnh vực ngân hàng khu vực, nhưng hành động hôm nay giúp giảm đáng kể nguy cơ ảnh hưởng lan rộng”, các nhà phân tích Thomas Simons và Aneta Markowska của Jefferies cho biết hôm 12/3.
Bằng cách đảm bảo tất cả khoản tiền gửi - ngay cả số tiền không được bảo hiểm mà khách hàng giữ tại các ngân hàng bị sụp đổ - chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn tình trạng đột biến rút tiền gửi lan rộng.
Động thái này cũng giúp các công ty đã gửi một khoản tiền lớn vào ngân hàng tiếp tục trả lương và có tiền hoạt động.
Các động thái này đã trấn an thị trường tài chính, nhưng để lại những câu hỏi chưa có lời giải đáp về người mua các ngân hàng này, đồng thời khiến cổ đông và trái chủ của hai tổ chức phá sản bị thua lỗ nặng nề, Reuters nhận định.
Trước đó, SVB buộc phải dừng hoạt động vào ngày 10/3, trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.