Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì nước này mua dầu của Nga bất chấp mức giá trần mà G7, do Mỹ dẫn đầu, đã áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào năm ngoái.
Thông tin trên được Asia News International đăng tải trên Twitter, trích lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu Karen Donfried bình luận về những lời kêu gọi của Ukrane áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì tiếp tục mua dầu thô của Nga.
"Chúng tôi không tìm cách trừng phạt Ấn Độ. Quan hệ đối tác của chúng tôi với Ấn Độ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng tôi" - bà Donfried cho biết.
Mặc dù vậy, theo ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Bộ trưởng Tài nguyên Năng lượng, các mục tiêu của việc áp giá trần đã được thực hiện.
"Mặc dù Ấn Độ không tham gia áp giá trần, nhưng nước này đã sử dụng hiệu quả đòn bẩy đàm phán từ giá trần và việc phần lớn thị trường toàn cầu không còn tiếp cận được với Nga, để giảm giá dầu của Nga" - hãng ANI trích lời ông Pyatt.
Sau hàng loạt lệnh trừng phạt mà EU và G7 đã áp đặt với Nga sau xung đột ở Ukraina, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những người mua dầu thô lớn nhất của Nga, tận dụng chiết khấu mạnh đối với dầu Urals.
Sự thay đổi trong nhập khẩu dầu của Ấn Độ đặc biệt rõ rệt. Trước khi lệnh trừng phạt bắt đầu, Nga chỉ là nhà cung cấp dầu nhỏ cho Ấn Độ. Nhưng kể từ năm ngoái, nước này đã trở thành một trong những nhà cung cấp lớn nhất.
Theo Reuters, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục 5 tháng vào tháng 12/2022 khi nước này tích cực tăng cường mua dầu thô của Nga. Mức độ tiêu thụ dầu của Ấn Độ là 5 triệu thùng/ngày và vẫn có thể tăng hơn nữa tùy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Báo cáo cũng cho biết khoảng 70% lô hàng dầu tháng 1/2023 của Nga sẽ đến Ấn Độ và quốc gia này là khách hàng mua dầu Ural hàng đầu của Nga trong vài tháng nay.
Việc đảm bảo nguồn cung và tránh kịch bản khủng hoảng năng lượng là vô cùng trọng yếu. Bất chấp sự phản đối từ các quốc gia phương Tây, ông Puri cho biết chính phủ Ấn Độ nhìn nhận việc mua dầu Nga từ một góc độ khác.
“Hôm nay, chúng tôi tự tin rằng, chúng tôi sẽ có thể sử dụng thị trường của mình để tìm nguồn từ bất cứ nơi nào chúng tôi nhận được các điều khoản có lợi” - Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Hardeep Singh Puri nói với CNBC.
Ông Puri nói thêm: “Chúng tôi không cho phép bất ổn địa chính trị, đại dịch hay bất cứ điều gì khác cản trở khả năng cung cấp cho người tiêu dùng của chúng tôi".
Theo ông, nếu nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn, giá dầu chắc chắn sẽ tăng vọt. Một khi dầu của Iran bị trừng phạt, nguồn cung từ Nga gặp vấn đề trong khi Venezuela không thể cung cấp dầu của mình cho thị trường, giá dầu thế giới lúc đó rất có thể sẽ không chỉ dừng ở mức 200 USD/thùng mà là 480 USD/thùng.
Do đó, ông cho biết mối quan tâm của chính phủ Ấn Độ không nằm ở xuất xứ của nguồn cung mà ở sự ổn định của nguồn cung ở một mức giá có lợi, kể cả nếu nguồn cung là từ dầu Nga đang chịu trừng phạt.