Châu Âu đang ra sức xoay sở để tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga hiện đã giảm xuống mức tối thiểu. Trong bối cảnh đó, dòng chảy khí đốt hoá lỏng (LNG) từ Mỹ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bù đắp cho sự thiếu hụt mà châu Âu đang phải đương đầu.
Tuy nhiên, theo tờ báo Financial Times, lời hứa của Mỹ về bơm LNG để giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ đang đối mặt nguy cơ vấp phải sự phản đối của người tiêu dùng ở Mỹ.
Sự phản đối của các bang vùng New England
Giá khí đốt bán buôn ở Mỹ có khả năng sẽ bình quân ở mức khoảng 9 USD/đơn vị nhiệt Anh (BTU) trong thời gian còn lại của năm nay - theo một dự báo mới đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Mức giá này chỉ bằng một phần nhỏ so với giá khí đốt ở châu Âu, mang lại cho các nhà giao dịch khí đốt động lực tài chính to lớn để bán những lô LNG từ Mỹ sang châu Âu. Mới đây, Mỹ đã vượt qua Australia và Qatar để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mức giá khí đốt 9 USD/BTU vẫn cao gấp 3 lần so với giá bình quân ở Mỹ trong 1 thập kỷ qua, và vì thế có khả năng đẩy giá nhiệt sưởi và giá điện tăng vọt đối với các hộ gia đình Mỹ, giữa lúc lạm phát ở nước này đang ở ngưỡng “nóng” nhất trong khoảng 4 thập kỷ trở lại đây.
Hồi tháng 7, các thống đốc bang ở vùng New England thuộc phía Đông Bắc của Mỹ đã cảnh báo Nhà Trắng về khả năng giá khí đốt tăng vọt trong mùa đông. Họ ám chỉ việc lời hứa giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga mà Washington đưa ra ở thời điểm vài tuần sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine.
“Chúng tôi đánh giá cao việc chính quyền Tổng thống Joe Biden làm việc với các đối tác châu Âu để đẩy mạnh việc xuất khẩu năng lượng sang châu Âu. Điều tương tự cũng nên được làm cho New England”, nhóm thống đốc viết trong lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm do Financial Times thu thập đc.
Trong lá thư, thống đốc các bang Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Rhode Island và Vermont đề nghị Chính phủ giúp đảm bảo nguồn cung LNG trong nước, cụ thể là từ từ Vịnh Mexico, cho vùng New England. Nếu Chính phủ Mỹ có động thái để hưởng ứng lời kêu gọi này, dòng LNG chảy từ Mỹ ra thị trường quốc tế có thể chuyển hướng trở lại thị trường trong nước.
Giá khí đốt cao “sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến các khách hàng tiêu thụ điện và khí đốt ở khu vực của chúng tôi và làm gia tăng mối lo về niềm tin nếu khu vực trải qua một mùa đông khắc nghiệt”, các vị thống đốc viết trong thư.
Trong những tháng lạnh giá nhất của mùa đông hàng năm, New England thường nhập khẩu LNG từ nước ngoài thông qua một cảng khí hoá lỏng gần Boston. Một điều khiến các nhà sản xuất khí đốt Mỹ bất bình là một số bang ở New England phản đối việc xây dựng những đường ống dẫn khí chạy từ mỏ khí đá phiến Marcellus ở gần đó - một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.
Các vị thống đốc đề nghị chính quyền ông Biden nới các hạn chế trong Jones Act - một đạo luật quy định rằng chỉ các tàu đóng ở Mỹ, sử dụng thuỷ thủ đoàn là người Mỹ, và mang cờ Mỹ mới được vận chuyển hàng hoá giữa các cảng trong nước.
Vào tháng 8, bà Granholm đã hồi đáp lá thư của các vị thống đốc, nói rằng Chính phủ “sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ sẵn có “để giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung và giá khí đốt tăng cao. Bà nói Chính phủ sẽ nhanh chóng rà soát bất kỳ đề nghị nào xin miễn trừ khỏi Jones Act, nhưng không thể đưa ra một sự miễn trừ trên diện rộng.
Kể từ khi Mỹ bắt đầu bán LNG từ bờ Vịnh Mexico ra nước ngoài vào năm 2016, xuất khẩu mặt hàng này đã không ngừng tăng và hiện đã chiếm khoảng 12% tổng sản lượng LNG của Mỹ. Năm nay, hơn 70% LNG xuất khẩu của Mỹ có đích đến là châu Âu. Nhu cầu LNG của châu Âu tăng chóng mặt thời gian gần đây, khi Nga tuyên bố “khoá van” vô thời hạn đường ống Nord Stream 1.
Nỗi lo về môi trường
Các tổ chức doanh nghiệp như Hội đồng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Quốc gia Các nhà sản xuất Mỹ (NAM) nhìn chung đều ủng hộ việc đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt. Tuy nhiên, cũng có một số tổ chức bày tỏ quan điểm lo ngại. Hồi tháng 8, Industrial Energy Consumers of America (IECA) - một hiệp hội của các nhà sản xuất ở Mỹ, nói rằng: “Xuất khẩu LNG đã khiến cho lạm phát tăng mạnh vì đẩy giá khí đốt và giá điện lên cao hơn”.
“Hoá đơn tiền điện sẽ gây sốc đối với hầu hết người tiêu dùng vì sẽ đẩy tốc độ lạm phát lên cao hơn nhiều so với mức hiện tại”, Giám đốc điều hành Albert Lin của Công ty tư vấn năng lượng Pearl Street Station Finance Lab nhận định. “Sự tăng giá năng lượng chóng mặt mà mọi người đang chứng kiến ở châu Âu sẽ kéo giá khí đốt ở Mỹ tăng giá theo thông qua xuất khẩu LNG”.
Mỹ hiện có công suất xuất khẩu 14 tỷ feet khối khí đốt mỗi ngày, dự kiến tăng 40% lên 19,7 feet khối/ngày vào năm 2026 khi các dự án mới hoàn tất, theo EIA.
Những dự án mở rộng xuất khẩu khí đốt trị giá nhiều tỷ USD đã vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động khí hậu và môi trường ở vùng bờ Vịnh Mexico. Sierra Club, một trong những tổ chức hoạt động môi trường lớn nhất ở Mỹ, đã đặt pano “Stop LNG” (“chấm dứt LNG”) dọc theo những con đường cao tốc ở miền Nam bang Louisiana, nơi một số dự án LNG đã nhận được sự phê chuẩn của chính quyền.
“Chúng tôi đã khổ thì chớ, lại còn có những cộng đồng ở chỗ chúng tôi phải sống ngay cạnh những cơ sở hoá dầu gây hạ cho nguồn nước và không khí”, ông James Hiatt, một cư dân ở vùng Louisiana Bucket Bridage phản đối các dự án LNG, cho biết. “Phần lớn khu vực miền Nam Louisiana sẽ bị ngập nước nếu chúng ta tiếp tục bơm những loại khí gây hiệu ứng nhà kính này. Chúng ta không thể tiếp tục hoạt động ngu ngốc này được”.
Năm nay, một nhóm nghị sỹ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ, bao gồm các thượng nghị sỹ đến từ các bang ở vùng New England, hối thúc chính quyền Tổng thống Biden “hạn chế xuất khẩu khí đốt” trong lúc đánh giá “ảnh hưởng của việc xuất khẩu khí đốt đối với giá năng lượng trong nước”. Những lời kêu gọi này có thể gia tăng nếu giá năng lượng còn leo thang trong mùa đông năm nay.
Các nhà phân tích của ClearView Energy Partners, một công ty tư vấn có trụ ở ở Washington, nhận định trong một báo cáo gần đây rằng khó có khả năng Chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu LNG, xét tới lời hứa đã đưa ra với châu Âu. Nhưng báo cáo cũng cho rằng giá khí đốt ở Mỹ tăng có thể dẫn tới việc Chính phủ Mỹ trì hoãn việc phê chuẩn và cấp phép cho các dự án xuất khẩu LNG mới.
“Chính quyền đã nhận thấy tính cấp bách của vấn đề khi cả thế giới đang trông vào khí đốt Mỹ”, Giám đốc điều hành Charlie Riedl của Tổ chức thương mại khí hoá lỏng Center for Liquefied Natural Gas nhận định. “Việc giảm xuất khẩu LNG chỉ vì giá khí đốt tăng cao trong mùa đông có vẻ là một quyết định địa chính trị thiển cận, và tôi sẽ ngạc nhiên nếu chính quyền có động thái như vậy”.