Theo Business Insider, kinh tế Mỹ vốn đã đang chịu áp lực khi dữ liệu GDP mới cho thấy nước này đã có 2 quý giảm tăng trưởng liên tiếp. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đối mặt thêm thách thức khi những vấn đề ở Trung Quốc đang lan nhanh ra toàn cầu.
Ảnh minh họa: EU Reporter
Vài tuần trước, Trung Quốc công bố kết quả GDP quý 2 chỉ tăng 0,4%, không đạt mức dự báo 1% của các nhà phân tích theo khảo sát của Reuters. Đây là kết quả thấp nhất kể từ quý 1/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nước này ghi nhận tăng trưởng âm 6,8%.
Ngoài ra, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gần đây, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, bất chấp sự phản đối gay gắt từ Bắc Kinh, làm dấy lên lên lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng cả hai vấn đề này có thể gây ra những tác động lớn về kinh tế và an ninh quốc gia cho Mỹ, gợi nhớ lại những động thái đáp trả lẫn nhau khi chiến tranh thương mại lên đỉnh điểm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong thương mại xuất khẩu của Mỹ, là khách hàng lớn thứ ba trong năm 2021, chi 151 tỷ USD để mua từ Mỹ các mặt hàng như máy móc, hạt có dầu, đậu tương. Thời gian qua, những hạn chế trong chuỗi cung ứng kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc đang là một trong những yếu tố đẩy lạm phát tại Mỹ lên mức cao kỷ lục 41 năm và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong quý 2 của Trung Quốc bắt nguồn một phần từ các chính sách phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt (Zero Covid), bao gồm phong tỏa và cách ly. Những biện pháp này làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ từ 16-24 tuổi tại các thành phố của Trung Quốc tăng lên 19,3% - mức cao nhất kể từ khi số liệu này được công bố lần đầu năm 2018.
Ngoài việc không đạt mức dự báo của giới phân tích, báo cáo GDP của Trung Quốc được cho là không phản ánh đầy đủ sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này làm dấy lên sự hoài nghi của các nhà kinh tế về mức độ chính xác của các dữ liệu kinh tế này. Nhiều người thậm chí cho rằng kinh tế Trung Quốc thực tế đã tăng trưởng âm trong quý 2.
“Chúng tôi cho rằng có bằng chứng rất rõ ràng là nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng âm trong quý 2”, ông Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, nói với tờ The Washington Post.
Báo cáo GDP gây thất vọng không phải là tin xấu duy nhất với nền kinh tế Trung Quốc trong những tuần gần đây. Hồi tháng 6, giá bất động sản tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp, và do tiến độ xây dựng chậm, người mua nhà tại hơn 20 thành phố của nước này đã bắt đầu từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp của mình cho những dự án chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng bất ngờ sụt giảm trong tháng 7 – phản ánh tăng trưởng ì ạch của kinh tế. Do tất cả các yếu tố này, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc lao dốc mạnh.
Mặc dù một số biện pháp hạn chế phòng chống Covid-19 đã được nới lỏng vào tháng 6, cho phép hoạt động kinh doanh được khôi phục, nhưng số ca nhiễm tăng đột biến gần đây do một biến thể mới đã khiến một số địa phương phải tái áp đặt biện pháp hạn chế. Điều này cho thấy thời gian tới, hoạt động kinh tế tại Trung Quốc có thể tiếp tục bị gián đoạn.
Các nhà kinh tế từ lâu đã tranh luận về việc khi nào Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và theo một số ước tính thời điểm này có thể là năm 2030. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế giảm tốc, cộng với khủng hoảng nợ nước ngoài tiềm ẩn và lực lượng lao động bị thu hẹp (do chính sách một con), được dự báo sẽ gây ra những trở ngại cho Trung Quốc. Do đó, khả năng nước này vượt Mỹ về quy mô kinh tế giờ đây khó hơn trước nhiều.