Theo tờ Vox, rất nhiều người đã đầu tư trong năm 2020-2021 và có một kết quả như ý. Thị trường chứng khoán tăng điểm sau giai đoạn đầu giảm vì đại dịch, tiền số tăng giá, hàng loạt quốc gia và khu vực mở cửa trở lại với niềm tin nền kinh tế sẽ hồi sinh.
Thế nhưng mọi chuyện lại xì hơi như bong bóng trong năm 2022 và tờ Vox nhận định mọi chuyện chẳng khác gì một “bữa tiệc tiền bạc” chóng tàn.
Năm nay là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung. Với những người chơi chứng khoán, hàng loạt các chỉ số quan trọng như S&P 500, Dow Jones hay Nasdaq đều có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng tiền số thì còn thê thảm hơn, trong khi thị trường bất động sản cũng lao đao vì lãi suất vay thế chấp tăng lên sau nhiều năm thấp.
Lạm phát ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo lên mức cao nhất 40 năm, xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực tăng lương. Ngay lập tức Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải nâng lãi suất liên tục để chống lạm phát, qua đó đe dọa đẩy nền kinh tế vào rủi ro khủng hoảng với vô số người thất nghiệp.
Mặc dù người Mỹ nhận được hàng nghìn tỷ USD trợ cấp trong đại dịch nhưng họ cũng đang phải tiêu dần số tiền này vì lạm phát.
Tờ Vox nhận định FED có nhiệm vụ rung chuông cảnh báo khi “bữa tiệc tiền bạc” quá đà, thế nhưng có vẻ như họ đã đợi quá lâu để cho mọi người quá say, thế rồi câu chuyện giờ đây trở nên dần mất kiểm soát. Dù thế nào đi chăng nữa, Vox nhận định bữa tiệc giờ đã kết thúc và đây là lúc mà mọi người phải đối mặt với thực tại.
Trèo cao, ngã đau
Thị trường chứng khoán Mỹ trong thập niên vừa qua hoạt động khá ổn. Mặc dù chứng khoán chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng chúng đã hồi phục nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của FED cũng như việc nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào đây trong những ngày giãn cách.
Thậm chí ở một số khía cạnh, nhà đầu tư tưởng chừng không thể thua khi chi tiền cho năm 2020-2021. Chỉ số S&P tăng 16% năm 2020 và 27% năm 2021.
Thế nhưng, mọi sự nỗ lực đều bị xóa sạch trong năm nay.
Giám đốc đầu tư Sam Stovall của CFRA Research nhận định với đà tăng mạnh của năm 2021 thì chẳng có gì khó hiểu khi năm 2022 lại đi xuống sâu như vậy. Theo ông Stovall, thị trường thường điều chỉnh khoảng 5-10% mỗi khi tăng 20%, thế nhưng cũng sẽ có những thời điểm không may khi giảm hết cả 20% và hơn nữa, tạo cho mọi người cảm giác khủng hoảng. Tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ khác nếu thị trường điều chỉnh lại sau một năm tăng trưởng nhẹ.
Trên thực tế, ông Stovall cho biết FED hành động hơi chậm, cộng với những yếu tố bất ngờ như xung đột Ukraine, đại dịch ở Trung Quốc đã khiến tình hình xấu đi nhanh chóng. Tuy nhiên thị trường chứng khoán chỉ trở về với giá trị thực và chính đà tăng trưởng mạnh trước đó đã khiến mọi người khủng hoảng.
Với những kênh đầu tư khác như tiền số, chúng chỉ dần trở về với giá trị thật của mình sau một năm được những người chơi rủng rỉnh tiền nâng đỡ. Trong khi đó, hầu như mọi kênh đầu tư đều có rủi ro.
“Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên mà cả cổ phiếu lẫn trái phiếu đều giảm điểm. Giờ đây nhà đầu tư đang gặp khó vì chẳng biết phải giấu tiền vào đâu cho an toàn, cho dù đó có là thị trường vàng”, giám đốc đầu tư Jack Ablin của hãng Cresset Capital nhận định.
Tuy nhiên không phải ai cũng bi quan về tình hình hiện nay. Việc hàng loạt thị trường điều chỉnh về đúng giá trị của nó khiến cơ hội đầu tư mua vào trở nên rộng hơn.
“Bạn muốn mua một miếng thịt 18 USD/pound hay một miếng thịt khác rẻ hơn với giá chỉ 10 USD/pound? Khi thị trường đi xuống thì đây mới là lúc kiếm được những thương vụ có lời”, ông Ablin ví von.
Theo Vox, hiện vẫn chưa rõ là thị trường đã xuống đáy hay chưa và liệu tình hình có trở nên tệ đi nữa hay không. Phía FED đã tỏ rõ tín hiệu rằng họ sẽ còn nâng lãi suất trong năm 2023, một điều chẳng mấy vui vẻ gì cho các nhà đầu tư.
Giám đốc Stovall thì nhận định năm 2023 có lẽ sẽ không quá tệ như 2022 nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường đã xuống đáy.
Năm lạm phát
Một yếu tố nữa mà không thể không nhắc tới trong năm 2022 là lạm phát. Giá cả tiêu dùng năm nay lên khá cao, kéo dài và để lại nhiều hệ lụy. Lạm phát đang khiến mọi thứ trong nền kinh tế trở nên tồi tệ đi cho dù một số chỉ số khác vẫn khá tốt.
Ví dụ mức lương tại Mỹ vẫn tăng, số việc làm không thiếu, người tiêu dùng tại nền kinh tế số 1 thế giới vẫn chi tiền dù không nhiều như kỳ vọng. Thế nhưng như vậy là chưa đủ để xoa dịu nỗi lo lắng của nhà đầu tư.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã sụt giảm trong tháng 11/2022 ở những mảng như đồ gia dụng hay ô tô, chi phí tiêu dùng của nhiều mặt hàng cũng tăng cao. Tình hình nghiêm trọng đến mức FED đã phải cảnh báo mọi chuyện sẽ trở nên “đau đớn” hơn trước khi tốt lên.
Việc FED nâng lãi suất chống lạm phát đã khiến khó vay vốn hơn, người dân nghèo thì nợ nần nhiều hơn do giá cả tăng cao hơn mức tăng lương. Nếu kịch bản này tiếp tục diễn ra theo đúng như những gì FED cảnh báo, nghĩa là hạ nhiệt thị trường và đẩy nhiều lao động vào cảnh thất nghiệp, thì năm 2023 có lẽ sẽ không mấy lạc quan.
Trớ trêu thay, tình hình thị trường lao động Mỹ lại vẫn khá ổn bất chấp FED nâng lãi suất.
“Bất chấp việc giảm tốc tăng trưởng, thị trường lao động Mỹ vẫn rất ổn khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất gần 50 năm qua, số lượng việc làm tuyển dụng khá cao và mức tăng lương cũng mạnh”, Chủ tịch Jerome Powell của FED tuyên bố trong bản báo cáo giữa tháng 12/2022, qua đó thông báo nền kinh tế Mỹ đã tạo ra bình quân 272.000 việc làm mới mỗi tháng trong 3 tháng qua.
Ở một khía cạnh khác, giám đốc Ira Regmi của Viện Roosevelt Institute nhận định hàng loạt chương trình trợ cấp của chính phủ trong đại dịch hiện đang tác động ngược lại nền kinh tế, từ những khoản tiền hỗ trợ người dân đến sự mở rộng của khoản tiền tín thuế trẻ em (Child Tax Credit). Đó là chưa kể đến các khoản hỗ trợ thất nghiệp vốn có khác.
“Liều thuốc hỗ trợ người dân đang đem lại tác dụng phụ còn hơn cả đại dịch Covid-19”, ông Regmi than thở.
*Nguồn: Vox