Bán lẻ được coi là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. Kể từ khi bùng phát từ cuối tháng 4/2021, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều công ty đóng cửa hoặc phải thu hẹp mô hình kinh doanh.
Nhưng tính từ tháng 4/2022 đến nay, ngành bán lẻ đã lấy lại được sức hồi phục sau đại dịch. Báo cáo của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch, đây thực sự là con số đáng mừng.
Số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ bán hàng tạp hóa tăng khoảng 8-10%, còn dịch vụ du lịch lữ hành tăng tới 300%, dịch vụ may mặc 20-22%.
Lĩnh vực bán lẻ có được kết quả này là nhờ đòn bẩy từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, sự hồi phục ở mọi lĩnh vực đã trở lại. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua cũng tác động tích cực đến ngành bán lẻ Việt Nam.
Thêm vào đó, ngành bán lẻ liên quan rất nhiều đến đời sống con người, thu nhập của người dân. Khi thu nhập của người dân tăng lên, thì doanh thu bán lẻ cũng tăng theo.
Thu nhập của người tiêu dùng điều khiển chi tiêu của họ. Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng không thiết yếu (như: điện tử, nhà ở, hàng hóa cao cấp…), còn nhóm hàng thiết yếu sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Vì thế, doanh nghiệp bán lẻ cần nắm rõ từng diễn biến, từng phân khúc của thị trường để đưa ra những chương trình khuyến mại, nhằm thu hút, kích cầu tiêu dùng.
Ngoài những thách thức trong ngắn hạn, những khó khăn cố hữu vẫn “trói” ngành bán lẻ phát triển. Đó là khi bắt tay vào vận hành, ngành bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn như tìm kiếm mặt bằng, đào tạo nhân lực bán lẻ (vẫn chưa có trường lớp đào tạo chính quy)… Khi đã tìm kiếm được mặt bằng, thì các thủ tục giấy tờ, cơ chế, chính sách để mở điểm bán hàng mới cũng là một thách thức. Mặc dù gần đây, rào cản này đã dần được tháo gỡ nhưng vẫn còn chậm chạp, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi xảy ra đại dịch, việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Các nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Còn các nhà sản xuất cũng tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản.
Hiện Hiệp hội cũng đang xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành bán lẻ. Chuyển đổi số trong bán lẻ giúp doanh nghiệp thanh toán nhanh hơn, nhờ hình thức tự động thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị. Cụ thể, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI, và công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán. Nhờ đó, sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời hơn…
Theo tôi, để vào được hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí nhà bán lẻ đặt ra. Tiêu chí này dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, của cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, nhà bán lẻ phải áp đặt những quy định đó lên các nhà sản xuất. Cụ thể, mẫu mã bao bì sản phẩm phải có sự bắt mắt, các tiêu chí trên bao bì đáp ứng quy định ghi trên nhãn mác. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt, hầu hết hàng hóa, nhất là với hàng hóa thực phẩm, đều phải được dán tem QR Code trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong những giải pháp công nghệ tiên phong hiện nay, có khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Trong những năm qua, ngành đã nỗ lực rất nhiều để đứng vững trên thị trường. Trong thời gian tới, ngành cần phát huy những điểm mạnh của mình và khắc phục những điểm yếu.
Điểm yếu của ngành bán lẻ đó là quản trị doanh nghiệp còn yếu so với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong cùng ngành, bởi quản trị trong ngành bán lẻ khác với các ngành nghề khác. Quản trị doanh nghiệp bán lẻ từ khâu đầu vào đến đầu ra, cần nắm vững được những mấu chốt trong vận hành doanh nghiệp. Khắc phục được những điểm yếu này sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và cạnh tranh được trên thị trường; đồng thời, cần đào tạo thường xuyên cho cán bộ quản lý từ cấp trung trở lên.
Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng để trao đổi về những diễn biến của thị trường cũng như tình trạng hàng hóa sản xuất ra, dự báo được mùa vụ… Doanh nghiệp cũng cần củng cố tiềm lực tài chính để thích ứng với mọi hoàn cảnh, có được nguồn cung ứng tốt, hàng hóa tốt, đa dạng hóa sản phẩm… nhằm thu hút khách hàng. Kết hợp với nhà sản xuất, nhà cung ứng để có những chương trình khuyến mại tốt nhất nhằm kích cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt mọi diễn biến trên thế giới về hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước… nhằm thích ứng, linh hoạt trong mọi tình huống.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp bán lẻ, các doanh nghiệp luôn mong muốn Chính phủ quan tâm hơn nữa tới ngành. Hiện vẫn có tư tưởng bán lẻ là những người đi buôn, nên đi buôn phải tự làm, nhưng theo tôi, bán lẻ là cầu nối, nếu bán lẻ không làm tốt được công việc của mình thì nền kinh tế sẽ bị trì trệ.
Rõ ràng sau một thời gian “ốm nặng” và “sức khỏe” của ngành đã hồi phục thì chắc chắn sẽ có sức bật mạnh mẽ. Bán lẻ luôn là ngành nghề sôi động với cả doanh nghiệp sản xuất trong nước và các nhà bán lẻ nước ngoài, luôn trong tâm thế của sự chuyển động.
Theo dự đoán của tôi, trong năm 2023 ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch.
Trong 2 năm đại dịch bùng phát mạnh, một số nhà bán lẻ đã phải đóng cửa bớt, chỉ giữ lại những địa điểm bán tốt. Nhưng sang năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường.
Đặc biệt, sẽ có sự đầu tư mới của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam. Nhà bán lẻ trong nước cũng kỳ vọng tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc bắt tay với các đối tác nước ngoài. Đây là sự hợp tác bình thường khi muốn doanh nghiệp của mình “khỏe” lên trong bối cảnh hiện nay.