Trước đây, các dự án dầu khí ở châu Phi đã có một thời gian dài bị bỏ bê vì chi phí đắt đỏ và các mối lo về môi trường.
Theo ước tính của hãng tin Reuters, các công ty năng lượng đang xem xét các dự án với tổng trị giá 100 tỷ USD ở châu Phi. Những nước châu Phi hiện có rất ít hoặc chưa có sản lượng dầu khí có thể chứng kiến hàng tỷ USD vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này trong những năm tới, như Namibia, Nam Phi, Uganda, Kenya, Mozambique và Tanzania.
Một nhà máy lọc dầu của Chevron ở Cape Town, Nam Phi, tháng 6/2016 - Ảnh: Reuters.
Riêng Namibia có thể tăng sản lượng dầu thêm nửa triệu thùng mỗi ngày, sau khi những mũi khoan thăm dò trong mấy tháng gần đây cho thấy kết quả hứa hẹn - nguồn tin là các nhà điều hành trong ngành dầu lửa tiết lộ với Reuters.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2030, toàn bộ châu Phi có thể thay thế tới 1/5 lượng xuất khẩu khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu. Định chế có trụ sở ở Paris cho biết đến thời điểm đó, lượng khí đốt châu Phi bán cho châu Âu có thể tăng thêm 30 tỷ mét khối mỗi năm so với hiện nay.
“Trong bối cảnh thế giới tìm cách thay thế dầu thô và khí đốt Nga, ngành công nghiệp dầu khí đang tập trung vào dầu châu Phi”, CEO Gil Holzman của công ty thăm dò dầu khí Eco Atlantic Oil & Gas của Canada nhận định. Công ty này đang nắm giấy phép khoan tìm dầu trên diện tích gần 30.000 km vuông ở Namibia.
“Các công ty dầu khí lớn đang tìm cách xây dựng vị thế lớn hơn tại châu Phi, cạnh tranh thăm dò, phát triển và khai thác các mỏ dầu”, ông Holzman tiết lộ với Reuters.
Cơ hội hiếm có cho Châu Phi
Lệnh trừng phạt của châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga và dòng chảy khí đốt từ Nga suy giảm thời gian gần đây đã đẩy giá năng lượng tăng mạnh và lạm phát tăng cao kỷ lục ở một số quốc gia. Hồi tháng 3, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London lên 139 USD/thùng, cao nhất gần 15 năm.
Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở châu Phi đến nay vẫn chưa hồi phục sau cú giảm mạnh của giá dầu thô và khí đốt hồi năm 2014 – theo một báo cáo hồi tháng 6 của IEA. Điều này đồng nghĩa với khả năng tiềm tàng của châu Phi trong việc giải toả sự thắt chặt nguồn cung hiện nay. IEA nói rằng sản lượng dầu toàn cầu sẽ phục hồi từ mức thấp thiết lập trong đại dịch, nhưng sau đó có thể suy giảm vào cuối thập niên 2020.
“Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên, và chúng ta cần tìm ra giải pháp để thay thế lượng dầu khí mất mát từ Nga”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 6.
Năm ngoái, IEA khiến ngành dầu lửa bị sốc khi đưa ra khuyến nghị rằng để đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, thế giới cần ngừng đầu tư vào các dự án năng lượng hoá thạch mới.
Các công ty và quốc gia đang xem xét đầu tư dầu khí ở châu Phi hiểu rằng họ cần phải hành động nhanh chóng để gặt hái lợi nhuận từ nguồn tài nguyên chưa được khai phá ở đây, trước khi cuộc dịch chuyển của thế giới sang công nghệ carbon thấp khiến cho các dự án năng lượng hoá thạch trở nên không còn ý nghĩa – theo các quan chức và nhà điều hành trong ngành dầu lửa.
Tháng trước, Tanzania ký một thoả thuận khung về khí hoá lỏng (LNG) với công ty năng lượng quốc doanh khổng lồ Equinor của Na Uy và hãng dầu khí Anh-Hà Lan Shell. Thoả thuận này sẽ thúc đẩy việc xây dựng một dự án cảng xuất khẩu LNG trị giá 30 tỷ USD.
CEO Patrick Pouyanne của hãng dầu khí Pháp TotalEnergies phát biểu trong chuyến thăm Mozambiqe hồi tháng 1 năm nay rằng nếu tình hình an ninh ở nước này được cải thiện, công ty sẽ tái khởi động một dự án LNG trị giá 20 tỷ USD đang bị phiến quân làm cho ngưng trệ. Tháng 5, ông Pouyanne nói TotalEnergies cần bù đắp sự suy giảm sản lượng từ Nga và đang đẩy mạnh hoạt động ở Namibia - một nguồn cung dầu hứa hẹn.
“Giờ đang có nhiều hoạt động nhằm cố gắng thúc đẩy các dự án này. Đang có một cảm giác cơ hội rất rõ ràng để thúc đẩy”, luật sư Goncalo Falcao của công ty luật toàn cầu Mayer Brown phát biểu, nhắc đến các dự án khí đốt trị giá hàng chục tỷ USD ở khu vực Đông Phi. Mayer Brown là công ty tư vấn các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng ở châu Phi.
Những dự án tiềm năng
Namibia đang được coi là nơi tập trung cơ hội lớn nhất cho dòng dầu mới từ châu Phi. Nước này đến nay còn chưa phải là quốc quốc gia sản xuất dầu lửa, nhưng Shell hồi tháng 2 đã phát hiện được một giếng dầu nhẹ đầy hứa hẹn ở Namibia.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine, công tác khoan tìm dầu ở Namibia càng được Shell đẩy mạnh và một giếng dầu khác đã được phát hiện vào cuối tháng 4. Trong lịch sử gần 150 năm của Shell, chưa khi nào công ty này phát hiện liên tiếp hai giếng dầu tại cùng một khu vực như vậy Một quan chức cấp cao của Shell tiết lộ với Reuters rằng sẽ phải mất khoảng 11 tỷ USD để khai thác hai giếng này.
TotalEnergies cũng đã hoàn tất việc thăm dò một giếng dầu ở Namibia hồi tháng 3, gọi đây là một phát hiện quan trọng. Công tác đánh giá tiếp theo đối với giếng dầu này sẽ diễn ra trong quý 3.
Những phát hiện trên của Shell và TotalEnergies có thể giúp mang lại sản lượng khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày – theo ước tính của IHS Markit và Wood Mackenzie. Tuy nhiên, các chuyên gia của hai công ty phân tích này nói rằng đây mới chỉ là ước tính ban đầu.
Trong một cuộc trao đổi với Reuters, bà Maggy Shino, một quan chức Bộ Khoáng sản và Năng lượng Namibia nói rằng nước này có thể không còn nhiều thời gian để phát triển ngành công nghiệp dầu lửa, bởi cuộc dịch chuyển của thế giới sang các nguồn năng lượng sạch đang được đẩy mạnh. “Có khả năng Namibia sẽ là ‘người khổng lồ’ dầu khí cuối cùng của châu Phi”, bà nói.
Theo công ty tư vấn Rystad, cơn khát khí đốt của châu Âu có thể đưa sản lượng khí đốt của châu Phi lên đỉnh cao gần 500 tỷ mét khối mỗi năm vào cuối thập niên 2030, từ mức 260 tỷ mét khối vào năm 2022.
Với quan điểm kém lạc quan hơn, IEA cho rằng trong “kịch bản bền vững cho châu Phi”, sản lượng khí đốt của châu lục này sẽ lập đỉnh ở mức dưới 300 tỷ mét khối vào năm 2024. IEA cũng dự báo sản lượng dầu thô của châu Phi sẽ lập đỉnh của thập niên này ở mức 6 triệu thùng/ngày vào năm 2022, từ mức 10 triệu thùng/ngày vào năm 2010. Các dự báo này phản ánh các dự án khí đốt có tuổi thọ lâu hơn các dự án khai thác dầu.
Hơn một nửa sản lượng của hãng dầu lửa khổng lồ ENI của Italy hiện đến từ châu Phi. Hơn một nửa vốn đầu tư của hãng này trong 4 năm qua cũng được rót vào châu Phi. Chiến tranh Nga-Ukraine càng thúc đẩy việc ENI rót vốn vào “lục địa đen”. Tháng 4 vừa qua, CEO Claudio Descalzi của Eni cùng với các quan chức cấp cao của Chính phủ Italy đã có chuyến công tác tại loạt nước châu Phi gồm Algeria, Gabon và Angola để ký kết thoả thuận tăng cường xuất khẩu năng lượng từ các nước này sang châu Âu.
“Châu Phi đang có một cơ hội lớn. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến thị trường năng lượng và nguồn cung năng lượng toàn cầu thay đổi mạnh, không chỉ trong vài năm mà trong hàng thập kỷ. Châu Phi cần nắm bắt cơ hội này”, Giám đốc phụ trách thăm dò của ENI, ông Luca Bertelli phát biểu hồi tháng 5.
Đức, nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất châu Âu, đã “lấy lòng” Senegal bằng một một chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Olaf Scholz hồi tháng 5. Đức đề xuất giúp Senegal khai thác nguồn khí đốt khổng lồ, nhưng đến nay hai bên chưa nhất trí được dự án nào.