Giáo sư Aviel Verbruggen, tác giả của báo cáo, cho biết tổng số tiền khổng lồ mà các công ty dầu khí và nhiên liệu hóa thạch thu được kể từ năm 1970 là 52.000 tỷ USD.
Khoản tiền lớn này mang lại quyền lực, giúp các doanh nghiệp có thể “mua chuộc chính trị gia, thao túng hệ thống”, đồng thời trì hoãn những chính sách đối phó cuộc khủng hoảng khí hậu, ông Verbruggen cho biết.
Nghiên cứu vẫn chưa được công bố trên tạp chí học thuật nhưng đã được ba chuyên gia tại Đại học College London, Trường Kinh tế London và tổ chức Carbon Tracker xác nhận là chính xác. Trong số đó, một người đã gọi đây là “con số đáng kinh ngạc”.
Phân tích dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy “tô kinh tế” được đảm bảo bởi việc kinh doanh dầu và khí đốt trên toàn cầu. Đây là thuật ngữ kinh tế chỉ phần chênh lệch giữa giá trị trữ lượng dầu thô theo giá khu vực và tổng chi phí sản xuất.
Tô kinh tế không phải là lợi nhuận thông thường mà là khoản phát sinh từ các điều kiện khan hiếm và được sử dụng để diễn giải cho sự khác biệt về giá cả.
Theo ông Verbruggen, lợi nhuận khổng lồ của ngành dầu khí ngày càng lớn bởi thỏa thuận cạnh tranh của các nước đã dẫn đến tình trạng khan hiếm “giả", giúp các doanh nghiệp nhận được khoản lợi nhuận từ việc chênh lệch giá này.
Đây dường như là đánh giá dài hạn đầu tiên về tổng lợi nhuận của ngành dầu khí, với “tô kinh tế" chiếm tới 86% tổng lợi nhuận, theo Guardian.
Thách thức với thế giới
Trong nhiều thập kỷ, các công ty dầu khí biết rằng lượng khí thải carbon đang làm hành tinh nóng lên.
Thế nhưng, bất chấp điều đó, việc đốt nhiên liệu hóa thạch vẫn diễn ra, thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu và góp phần làm trầm trọng thêm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm đợt nắng nóng đang tấn công nước Anh cùng nhiều quốc gia Bắc Bán cầu khác.
“Tôi thực sự ngạc nhiên trước những con số cao như vậy”, nhà kinh tế Verbruggen tại Đại học Antwerp (Belgium), cho biết.
“Đó là một số tiền lớn”, ông nói. “Người ta có thể mua chuộc chính trị gia, các hệ thống bằng tất cả số tiền này, và tôi nghĩ điều đó đã xảy ra. Nó bảo vệ (nhà sản xuất) khỏi sự can thiệp chính trị có thể hạn chế hoạt động của họ”.
“Nó mang lại lợi nhuận thực sự. Họ đã chiếm được 1% tổng số của cải trên thế giới mà không cần làm gì”, ông Verbruggen nhấn mạnh thêm.
Lợi nhuận trung bình hàng năm trong giai đoạn 1970-2020 là 1.000 tỷ USD nhưng ông cho biết con số này sẽ cao gấp đôi vào năm 2022.
Việc thu lợi nhuận này đang "kìm hãm" hành động của thế giới trong việc ứng phó tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
“(Ngành công nghiệp dầu khí) đang hút cạn tiền và lấy đi nguồn vốn dành cho các ngành thay thế khác. Ở mọi quốc gia, người dân gặp rất nhiều khó khăn chỉ để trả tiền xăng dầu và tiền điện, đến nỗi chúng tôi không còn tiền để đầu tư vào năng lượng tái tạo”, ông Verbruggen nói.
Giáo sư Paul Ekins, thuộc Đại học College London, cho biết một khoản “tô kinh tế" được trả cho các chính phủ dưới dạng tiền bản quyền, “nhưng thực tế vẫn là trong 50 năm qua, các công ty đã kiếm được số tiền khổng lồ từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu”.
Điều này đã và đang gây ra những thảm cảnh trên khắp thế giới và là mối đe dọa lớn đối với nền văn minh nhân loại trong tương lai.
Giải pháp
“Quy mô của ‘tô kinh tế' không chỉ khiến người ta ngạc nhiên mà nó còn gây chú ý, cho thấy trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt do giá dầu và khí đốt tăng cao kỷ lục, dòng tiền này tới các công ty năng lượng, dầu khí sẽ còn tăng gấp đôi trong năm nay”, Mark Campanale, tại tổ chức Carbon Tracker, cho biết.
“Chuyển sang một hệ thống năng lượng trung hòa carbon dựa trên năng lượng tái tạo là cách duy nhất để chấm dứt sự điên rồ này”, ông nhấn mạnh.
Guardian tiết lộ vào tháng 5 rằng các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới đang lên kế hoạch cho các dự án dầu khí "bom carbon" có thể khiến nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh với những tác động thảm khốc trên toàn cầu.
Theo đó, kế hoạch mở rộng ngắn hạn của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch liên quan đến việc khởi động các dự án dầu khí sẽ tạo ra khí nhà kính tương đương với một thập kỷ phát thải CO2 từ Trung Quốc - nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.
Trong bản báo cáo, ông Verbruggen cho biết thêm các quốc gia giàu dầu mỏ, như Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm Saudi Arabia, thu được “tô kinh tế" cao bằng cách hạn chế nguồn cung, “thay đổi các nguyên tắc cơ bản của thị trường".
Trong khi đó, các hành động quân sự như cuộc chiến Iraq năm 2003, hay động thái chính trị cấm vận dầu từ Iran, cũng làm tăng chi phí chênh lệch và giúp ngành dầu khí hưởng lợi.
Ông Verbruggen ước tính nếu tất cả dầu và khí đốt sẵn có được cung cấp tự do trên thị trường, giá dầu thông thường sẽ là 20- 30 USD /thùng. Con số này thấp hơn nhiều so với giá khoảng 100 USD hiện nay.
Tuy nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đồng nghĩa (chỉ tính riêng các công ty dầu mỏ quốc tế) sẽ phải mất khoảng 100.000 tỷ USD doanh thu tiềm năng. Đó là lý do nhà tài phiệt và các quốc gia dầu mỏ do giới tinh hoa chính trị kiểm soát muốn giữ nguyên "tô kinh tế" nhiên liệu hóa thạch - nguồn gốc quyền lực của họ, theo ông Mark Campanale.
May Boeve, người đứng đầu chiến dịch chống biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất toàn cầu 350.org, cho biết những khoản lợi nhuận như vậy cho phép ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch chống lại mọi nỗ lực chuyển đổi hệ thống năng lượng.
“Chúng ta phải phá bỏ các hệ thống ‘tô kinh tế' như vậy và xây dựng tương lai dựa trên năng lượng tái tạo có thể tiếp cận, phân phối bền vững và dân chủ hơn về mọi mặt”, bà nói.