Được mệnh danh là “quái vật của vũ trụ”, hố đen là một trong những bí ẩn vĩ đại nhất trong hành trình khai phá không gian của loài người. Hầu hết hố đen đều rất rộng lớn với lực hấp dẫn mạnh đến mức không một ánh sáng nào có thể thoát ra.
Chính vì vậy, chúng càng khó bị phát hiện, âm thầm ảnh hưởng đến quỹ đạo các hành tinh bằng lực hấp dẫn và chờ thời cơ để nuốt chửng mọi vật chất trên đường đi. Mới đây, kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đã ghi lại được cảnh tượng đáng sợ này: hố đen “ăn thịt” một ngôi sao giữa vũ trụ.
“Những sự kiện như thế này rất khó quan sát, thường chỉ có thể ghi lại phần đầu của quá trình, lúc có nhiều ánh sáng. Lần này, chúng tôi đã có thể quan sát từ rất sớm, nắm bắt trọn vẹn quá trình”, nhà nghiên cứu Peter Maksym của Center for Astrophysics | Harvard & Smithsonian chia sẻ.
Hình ảnh từ NASA cho thấy ngôi sao khi đi qua hố đen đã bị lực hấp dẫn hút vào, bị biến dạng và kéo dài ra thành một vệt sáng dài. Hiện tượng này được gọi là "spaghettification" (mì ống hóa), khiến các vật thể các vật thể bị kéo dài và nén ngang thành các hình dạng mỏng dài.
Trong trường hợp này, sau khi ngôi sao mà kính Hubble quan sát bị xé ra dang dở, các mảnh vụn đã được hình thành bởi lực kéo cực mạnh từ lỗ đen. Những mảnh vụn này bị hút vào theo từng vệt dài, tạo thành dòng vật chất hình xuyến (torus) tương tự bánh donut và quay quanh lỗ đen một cách hỗn loạn. Sau đó, hố đen sẽ nuốt chửng mọi vật chất này, giải phóng một luồng ánh sáng và nguồn phóng xạ khổng lồ.
“Những hình ảnh ghi nhận được là thời khắc trước khi biến mất của dòng vật chất hình donut. Chúng tôi đã nhìn thấy một cơn gió từ lỗ đen đã quét ngang qua bề mặt với tốc độ 20 triệu dặm/giờ”, Maksym cho biết.
Theo các nhà khoa học, đây là một hiện tượng ngoạn mục trong vũ trụ bởi hiện tượng hố đen “ăn thịt” ngôi sao như kính viễn vọng Hubble ghi nhận thường chỉ diễn ra 100.000 năm một lần.
Trên thực tế, sự kiện hố đen nuốt chửng ngôi sao không diễn ra trong thời gian thực. Hiện tượng này diễn ra cách Trái Đất 300 triệu năm ánh sáng, đồng nghĩa với việc hố đen đã ăn ngôi sao từ 300 triệu năm về trước.
Nhưng đến tận lúc này, ánh sáng mới truyền đến Trái đất, giúp các nhà khoa học của NASA chứng kiến và ghi nhận. Song, hình ảnh Hubble ghi lại toàn bộ quá trình của “bữa ăn hố đen” là cơ hội vàng để các nhà thiên văn quan sát hố đen bởi nó luôn tăm tối và không thể nhìn thấy được, Cnet nhận định.
Được phóng lên quỹ đạo vào năm 1990, Hubble từng là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới. Kính viễn vọng Hubble có thể quan sát đặc biệt sắc nét các tia cực tím và ánh sáng nhìn thấy được. Trong hơn 30 năm quan sát, kính thiên văn vũ trụ Hubble đã cho ta biết mỗi thiên hà luôn có một hố đen tồn tại ở trung tâm và kích thước của nó cũng tỉ lệ thuận với kích thước thiên hà.
Hố đen thường có xu hướng được hình thành khi một ngôi sao lớn chết đi và được mệnh danh là mồ chôn của vật chất vì không có gì có thể thoát được nó, kể cả ánh sáng. Số phận của một ai rơi vào một hố đen thật sự rất thảm khốc. Dưới lực hút khủng khiếp từ hố đen, cơ thể của họ sẽ trải qua quá trình “mì ống hóa” khiến từng bộ phận, xương và thậm chí nguyên tử bị xé rời ra.
“Vẫn có rất ít hiện tượng hố đen ăn sao được hệ thống tia cực tím ghi lại bởi chúng sẽ mang lại nhiều thông tin mới. Do đó, chúng tôi rất hào hứng khi giờ đây đã nhận được rất nhiều dữ liệu liên quan đến hố đen từ sự kiện đã ghi lại được”, nhà khoa học Emily Engelthaler của Center for Astrophysics | Harvard & Smithsonian nói.
Sự kiện này có tên mã khoa học là AT2022dsb, được ghi lại vào ngày 1/3/2022 bởi đài quan sát thuộc hệ thống All Sky Automated Survey (ASAS). Sự kiện đã thu hút không ít sự quan tâm của giới thiên văn học.