Chỉ số Nasdaq tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (27/7) - phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 - sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mức tăng lãi suất như dự báo của Phố Wall và những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã giải tỏa phần nào nỗi lo của nhà đầu tư về nhịp độ tăng lãi suất.
Cùng với đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của Microsoft, Alphabet và một số công ty lớn khác cũng góp phần giúp chứng khoán Mỹ ngập trong sắc xanh.
Chỉ số S&P 500 cũng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 8/6, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhất.
Ảnh minh họa: Reuters
Lúc đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 436,05 điểm, tương đương 1,37%, lên 32.197,59 điểm. S&P 500 tăng 102,56 điểm, tương đương 2,62%, lên 4.023,61 điểm. Còn Nasdaq tăng 469,85 điểm lên 12.032,42 điểm, tương đương mức tăng 4,06%.
Sau cuộc họp chính sách trong 2 ngày, Fed đã quyết định nâng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,75 điểm phần trăm, tiếp nối lần tăng với bước nhảy tương tự vào tháng trước và hai bước nhảy nhỏ hơn vào tháng 3 và tháng 5 nhằm kiềm chế lạm phát.
Hai lần tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7, đưa lãi suất lên phạm vi 2,25% -2,5%, cho thấy động thái mạnh tay liên tiếp nhất kể từ Fed sử dụng lãi suất làm công cụ chính sách tiền tệ vào đầu những năm 1990.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 27/7 - Ảnh: Reuters
Những bình luận của ông Powell tại họp báo sau cuộc họp đã mang lại cho các nhà đầu tư hy vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất với bước nhảy nhỏ hơn thời gian tới. Giới đầu tư chứng khoán thời gian qua lo ngại rằng việc Fed tăng lãi suất quá mạnh có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
“Việc giảm nhịp độ tăng (lãi suất) có thể sẽ phù hợp hơn khi chúng tôi đánh giá xem các lần điều chỉnh chính sách của mình ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế và lạm phát”, ông Powell nói.
Chủ tịch Fed nói ông cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái dù ghi nhận tăng trưởng âm trong quý đầu năm và được dự báo không khả quan trong quý 2.
“Hãy nghĩ xem suy thoái là gì. Đó là sự sụt giảm trên diện rộng ở nhiều ngành kéo dài trong nhiều hơn vài tháng. Nhưng bây giờ tình hình có vẻ không như vậy”, ông nói. “Lý do thực sự là thị trường lao động đã cho thấy tín hiệu mạnh mẽ về sức mạnh của nền kinh tế, đến mức khiến bạn phải đặt câu hỏi về dữ liệu GDP”.
“Ông ấy (ông Powell) đã không cam kết về một mức tăng lãi suất cụ thể nào trong cuộc họp chính sách tháng 9 tới”, chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen tại The Leuthold Group ở bang Minneapolis (Mỹ), nhận xét.
Theo ông Peter Tuz, chủ tịch công ty Chase Investment Counsel ở Charlottesville, Virginia (Mỹ), “đây là một một tuyên bố nhẹ nhàng, được đưa ra trong một ngày mà chúng ta chứng khiến kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng”. Việc Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm là điều được nhiều nhà đầu tư dự báo trước đó.
Giá cổ phiếu Microsoft tăng 6,7% trong phiên giao dịch ngày 27/7 sau khi công ty này dự báo tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số trong năm 2022 nhờ nhu cầu mạnh với dịch vụ điện toán đám mây.
Cổ phiếu Alphabet cũng bật tăng 7,7% trong phiên, một ngày sau khi “đại gia” công nghệ này báo cáo kết quả kinh doanh vượt dự báo của bộ phận quảng cáo trên tìm kiếm của Google, giải tỏa nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng của thị trường quảng cáo.
Cổ phiếu hãng viễn thông T-Mobile US cũng tăng 5,2% giá trị sau khi nâng mức dự báo tăng trưởng thuê bao lần thứ hai trong năm nay và báo lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích trong quý 2.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Bảng Anh giảm 0,625% sau quyết định của Fed. Trong khi đó, đồng Euro tăng 0,79% lên mức 1 Euro đổi 1,0194 USD.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 2 USD trong phiên giao dịch ngày 27/7 khi báo cáo về lượng tồn kho giảm tại Mỹ và việc Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt sang châu Âu đã bù đắp cho mối lo về nhu cầu suy yếu và việc Mỹ tăng lãi suất.
Tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước khi xuất khẩu dầu tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Giá dầu thô Brent tăng 2,22 USD, tương đương 2,1%, lên mức 106,62 USD/thùng. Dầu WTI Mỹ tăng 2,28 USD, tương đương 2,4%, lên 97,26 USD/thùng.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu áp lực khi dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang châu Âu giảm xuống chỉ còn 20% công suất từ ngày 27/7.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu Nga dừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào cuối năm nay và giảm xuất khẩu dầu thêm 30%, tăng trưởng kinh tế Mỹ và châu Âu có thể sụt xuống mức 0% trong năm 2023.