Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác. Nước này hiện có số người cao tuổi lớn nhất thế giới, với hơn 280 triệu người trên 60 tuổi. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm mạnh, làm giảm tổng dân số xuống còn 1,412 tỷ người vào năm ngoái. Theo dự báo của Chính phủ Trung Quốc, tới năm 2035, cứ 3 người tại Trung Quốc thì sẽ có một người trên 60 tuổi.
Các doanh nghiệp chuyển hướng
Rất nhiều những công ty trước đây từng tập trung vào kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trẻ em hiện chuyển sang sản xuất sản phẩm cho người già. Công ty chăm sóc cá nhân khổng lồ Kao của Nhật Bản đã ngừng sản xuất tã lót ở Trung Quốc vào mùa hè này. Abbott Laboratories, công ty sở hữu các thương hiệu dinh dưỡng như Similac và Ensure, mới đây cho biết sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh thực phẩm dành cho trẻ em tại Trung Quốc và chuyển sang bán các sản phẩm dinh dưỡng dành cho người lớn tuổi.
Công ty thực phẩm Danone của Pháp, nơi sản xuất sữa bột Aptamil cho trẻ sơ sinh, đã ra mắt thương hiệu thực phẩm dinh dưỡng y tế dành cho người lớn Fortimel tại Trung Quốc vào tháng trước. Ông Colin Liang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Redwheel cho biết: “Mô hình tiêu dùng sẽ thay đổi. Xu hướng này là không thể đảo ngược".
Trong ngành F&B, Yum China, nơi điều hành nhiều cửa hàng KFC, Pizza Hut và Taco Bell tại Trung Quốc, đang cải tiến thực đơn để thu hút khách hàng lớn tuổi. Ông Warton Wang, Tổng giám đốc của KFC Trung Quốc, gần đây đã nói với các nhà đầu tư rằng miễn là họ chọn đúng loại thực phẩm và tiếp thị tốt, các nhóm khách hàng lớn tuổi cũng sẽ góp phần vào sự phát triển hơn nữa của công ty.
Rất nhiều những công ty trước đây từng tập trung vào kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trẻ em hiện chuyển sang sản xuất sản phẩm cho người già.
Theo Jing Daily, từ năm ngoái, KFC đã tung ra một ứng dụng di động tối giản được thiết kế cho người dùng từ 50 tuổi trở lên. Phiên bản ứng dụng này có ít quảng cáo hơn, phông chữ lớn hơn và có thể đưa ra đề xuất dựa trên thói quen ăn uống cũng như đơn đặt hàng trước đây của người dùng.
Với lĩnh vực công nghệ, WeChat, ứng dụng trò chuyện được sử dụng rộng rãi thuộc sở hữu của công ty Internet khổng lồ Tencent và Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến thuộc sở hữu của Alibaba, cũng có các phiên bản ứng dụng của họ với phông chữ lớn hơn và nút bấm lớn hơn. Người dùng WeChat có thể chọn đọc to tin nhắn văn bản bằng giọng nói. Ứng dụng Douyin của ByteDance (TikTok phiên bản tiếng Trung) đã thiết kế một “chế độ người cao tuổi”, với phông chữ lớn hơn, nút bấm rõ ràng hơn và độ tương phản màu sắc sắc nét hơn.
Các công ty Nhật Bản, vốn có kinh nghiệm ứng phó với tình trạng dân số già ở nước mình, cũng đang tận dụng các cơ hội tăng trưởng của Trung Quốc. Hãng điện tử khổng lồ Panasonic đã phát triển một cộng đồng hưu trí mới với một đối tác Trung Quốc tại một thành phố cách Thượng Hải khoảng 120 dặm về phía Tây.
Cộng đồng có tên Yada Panasonic rộng gần 149.000 m2 với 1.170 phòng ở được trang bị các thiết bị gia dụng và điện tử, bao gồm máy đo nhịp tim và thiết bị công nghệ thông minh gửi dữ liệu đến điện thoại di động. Ông Yanagi Kaisei, trưởng bộ phận phụ trách dự án của Panasonic, cho biết khi Trung Quốc bắt đầu bước vào một xã hội già hóa, công ty hy vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình đồng thời đẩy nhanh thực hiện các dự án khác tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Động lực tăng trưởng kinh tế mới
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố quy chế hướng dẫn cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của “nền kinh tế bạc” hay ngành chăm sóc người già, nhằm ứng phó tích cực trước xu hướng già hoá đồng thời tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Hiện tại, Theo dữ liệu ước tính từ China Media Group, quy mô "nền kinh tế bạc" của Trung Quốc ở mức khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 6% tổng GDP của Trung Quốc và dự báo quy mô của nền kinh tế này có thể đạt 30.000 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương mức 4,18 nghìn tỷ USD) vào năm 2035, chiếm khoảng 10% tổng GDP.
Hướng dẫn này đánh dấu văn bản chính sách đầu tiên dành riêng cho nền “kinh tế bạc”, khi nước này đang phải đối mặt với xu hướng dân số ngày càng già đi. Quy chế bao gồm 26 biện pháp cụ thể trong 4 lĩnh vực, gồm giải quyết những thách thức cấp bách mà người cao tuổi phải đối mặt, mở rộng nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn.
Trong khi nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài đang thổi phồng những dự báo tiêu cực về tình trạng dân số già của Trung Quốc, thì các chuyên gia lại đưa ra lập luận cho rằng “nền kinh tế bạc” cũng có thể mang lại những điểm tăng trưởng bền vững.
Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ được khuyến khích và hướng dẫn tích cực mở rộng kinh doanh liên quan đến kinh tế bạc. Đồng thời các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được trao toàn bộ vai trò trong nền kinh tế bạc và chính quyền cũng sẽ xoá bỏ những rào cản tiếp cận thị trường chưa hợp lý để mở cửa cho khối này.
Ngoài ra, một trong số những nội dung chính là kế hoạch thành lập 10 “khu công nghiệp kinh tế bạc cấp cao” ở các khu vực như khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và Khu vực vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao. Hướng dẫn này cũng cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho phát triển công nghiệp, bao gồm tối ưu hóa ngân sách chính phủ trung ương để hỗ trợ nâng cấp các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mới đủ tiêu chuẩn và thúc đẩy việc sử dụng thiết bị thông minh.
Theo SCMP, bên cạnh việc kêu gọi cải thiện các dịch vụ trong nước, hướng dẫn này còn khuyến khích các công ty du lịch và công ty văn hóa phát triển thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người cao tuổi. Yang Xiaoqi – 1 nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc là 1 thị trường tiềm năng để phát triển “nền kinh tế bạc” vì dân số già ngày càng tăng. Số liệu cho thấy Trung Quốc sẽ có dân số già lớn nhất thế giới cho đến năm 2067. Và dự tính trong giai đoạn từ 2024 đến 2050 tốc độ gia tăng dân số ở độ tuổi trên 60 có thể ở mức 1,8 lần hiện nay từ khoảng 293 triệu đến 509 triệu người”.
Còn theo Pang Shi, Giám đốc bộ phận việc làm và kinh doanh của Học viện Khoa học Nhân sự Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết việc phát triển “nền kinh tế bạc” là một phản ứng tích cực đối với vấn đề lão hóa, có thể giúp thiết lập cơ chế dịch vụ điều dưỡng và lương hưu chất lượng cao. Bà chia sẻ: “Phát triển các ngành thu hút người cao tuổi như du lịch và chăm sóc sức khỏe là một cách tốt để mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho nhóm người cao tuổi và để họ tận hưởng những năm còn lại của cuộc đời”.