Chính quyền dựa vào nhu cầu thực tế này để xây dựng các chính sách chăm sóc người già. Theo đó, các thành phố thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi "mùa đông ở phía nam và mùa hè ở phía bắc", theo Sixth Tone.
Trung Quốc là một xã hội già hóa theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 19,8% tổng dân số vào cuối năm 2022. Khi dân số tiếp tục già đi, việc chăm sóc người cao tuổi ngày càng trở thành thách thức quan trọng cho chính phủ.
Luo Shougui, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Quản lý Antai thuộc Đại học Jiao Tong Thượng Hải, cho biết trong số người cao tuổi, nhóm "chim di cư" là những người có sức khỏe tốt và nhiều thời gian rảnh rỗi.
Theo Luo, sự khác biệt lớn về khí hậu giữa các khu vực của đất nước cùng với giao thông ngày càng thuận tiện đã thúc đẩy nhu cầu đi nghỉ dưỡng theo kiểu "chim di cư".
Nhóm của Luo đã xuất bản hai báo cáo mỗi năm, xếp hạng các thành phố của Trung Quốc dựa trên mức độ phù hợp cho việc nghỉ hưu theo kiểu này. Năm 2023, thành phố Lưu Bàn Thủy ở phía tây nam tỉnh Quý Châu được xếp hạng là thành phố tốt nhất để nghỉ dưỡng vào mùa hè và Tam Á ở tỉnh cực nam Hải Nam đứng đầu danh sách cho mùa đông.
Tuy nhiên, tại Hải Nam, dòng người cao tuổi tràn vào đã đẩy giá cả ở địa phương lên cao, gây căng thẳng cho các bệnh viện.
Nhưng Luo cho rằng những vấn đề như vậy có thể chỉ xảy ra ở những điểm đến nổi tiếng nhất, trong khi những thành phố ít nổi tiếng hơn sẽ đạt được lợi ích kinh tế khi lượng du khách tăng lên.
Một vấn đề lớn hơn đối với những thành phố nghỉ dưỡng này là tác động của tính chất thời vụ, vì cơ sở hạ tầng mới được xây dựng để phục vụ người cao tuổi "di cư theo mùa" có thể không được sử dụng trong những tháng thấp điểm.
"Chúng tôi còn gọi nó là 'nghỉ hưu theo thủy triều', nơi dòng người tràn vào khi thủy triều lên và sau đó tất cả họ đều biến mất khi thủy triều xuống. Thiếu du khách trong mùa thấp điểm đòi hỏi các địa phương phải chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp", ông Luo nói.