Năm 2020, Giám đốc điều hành Reed Hastings của Netflix tuyên bố không quan tâm đến việc cho chạy quảng cáo trên nền tảng này. Tuy nhiên, sau những quý liên tiếp sụt giảm doanh thu và số lượng người đăng ký, Netflix cuối cùng đã phải cho chạy quảng cáo từ tháng 11 năm nay.
Theo đó, Netflix sẽ cho ra gói dịch vụ có tên là “gói phổ thông” có giá 6,99 USD/tháng. Người dùng sẽ phải xem trung bình 4-5 phút quảng cáo mỗi giờ và không thể tải phim, show truyền hình. Quảng cáo sẽ có độ dài 15 hoặc 30 giây được phát trước và giữa bộ phim.
Ban đầu sẽ không có quảng cáo trong các chương trình dành cho trẻ em và những bộ phim mới. Phim cũ có thể có quảng cáo giữa video. Ngoài ra, đối với gói phải xem quảng cáo này, một số show và phim sẽ không có sẵn, người dùng chỉ xem được độ phân giải ở mức 720p, chưa được HD.
Netflix sẽ cho ra gói dịch vụ có tên là “gói phổ thông” có giá 6,99 USD/tháng.
Netflix sẽ chính thức cho ra mắt gói dịch vụ này tại Canada và Mexico vào ngày 1/11. Australia, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Anh và Mỹ là ngày 3/11, còn Tây Ban Nha là ngày 10/ 11.
Mức giá 6,99 USD/tháng của Netflix sẽ rẻ hơn gói cùng dịch vụ của Disney + và Hulu, cả hai đều có giá 7,99 USD/tháng. HBO Max là nền tảng có giá đắt nhất khi thu của người dùng 9,99 USD/tháng.
Netflix cũng thông báo chọn Microsoft là nhà cung cấp dịch vụ để nền tảng phim trực tuyến này có thể triển khai quảng cáo trong vài tháng tới.
Những chuyên viên quảng cáo và nhà phân tích thị trường đều đánh giá Microsoft là lựa chọn phù hợp nhất với Netflix.
Thứ nhất và cũng quan trọng nhất, Microsoft đang không vận hành bất kỳ dịch vụ streaming nào làm đối thủ với Netflix. Trong khi đó, Google có YouTube và YouTube TV, còn NBCUniversal có Peacock. Từ trước đến nay, Netflix luôn muốn tránh những quan hệ rắc rối này, những sự xung đột có khả năng xảy ra trong tương lai.
Thứ hai, Microsoft có danh tiếng khá tốt và “sạch” khi nói đến vấn đề quyền riêng tư. Mặc dù Microsoft kiếm được số tiền rất lớn từ digital marketing, chẳng hạn 8,5 tỷ USD từ Bing và 10,3 tỷ USD từ LinkedIn trong năm 2021, công ty công nghệ này không có nhiều điều tiếng về vi phạm quyền riêng tư như Google, Meta hay Amazon.