Trích dẫn ba nguồn tin từ thị trường dầu mỏ Nga, Reuters cho biết Nga sẽ cắt giảm 1/4 lượng xuất khẩu dầu thô từ các cảng phía tây trong tháng 3 và tháng 4, mở rộng mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày mà nước này đã công bố trước đó để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Khi Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3, tức chiếm 5% sản lượng dầu toàn cầu, thị trường phần lớn không bị lay chuyển, mặc dù xuất khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga đã giảm vào thời điểm đó.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang buộc Moscow phải xoay sở để định tuyến lại phần lớn lượng dầu xuất khẩu từ châu Âu sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia sẵn sàng mua những thùng dầu được chiết khấu lớn. Tuy nhiên, việc định tuyến lại đã gặp trở ngại với các sản phẩm tinh chế, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ ngày 5/2.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây vào ngày 5/12 và ngày 5/2, cùng với mức giá trần của G7, đã được đưa ra nhằm giảm khả năng tiếp cận của Nga đối với các khoản thu từ dầu mỏ.
Dù liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế nhưng châu Âu vẫn không thể thoát khỏi dầu Nga hoàn toàn. Theo Reuters, nước Đức dự kiến vẫn phải mua dầu trung chuyển qua Nga. Hôm 22/2, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov phát biểu với báo giới rằng dầu của Kazakhstan sẽ bắt đầu vận chuyển qua lãnh thổ Nga tới Đức thông qua đường ống Druzhba trong những ngày tới, trong bối cảnh Berlin tìm cách thay thế nguồn cung dầu thô của Moscow.
Công ty nhà nước Kaztransoil của Kazakhstan đã xin phép Transneft - công ty vận tải đường ống thuộc sở hữu nhà nước của Nga và là nhà điều hành đoạn đường ống Druzhba của Nga - để vận chuyển 20.000 tấn dầu thô đầu tiên tới Đức bằng cơ sở hạ tầng của Nga.
Vào tháng 12, Kazakhstan đăng ký vận chuyển 1,2 triệu tấn dầu vào năm 2023 qua Nga đến Đức, với khả năng tăng số lượng lên 7 triệu tấn trong tương lai.
Đức, trước đây là khách hàng mua dầu của Nga lớn nhất trong EU, đã ngừng nhập khẩu qua đường ống vào ngày 1/1, bất chấp thực tế là lệnh cấm vận mới nhất của EU miễn trừ việc giao hàng qua đường ống tới khối này từ Nga.
Bộ Kinh tế Đức cho hay việc trộn lẫn dầu thô của Kazakhstan và Nga là không thể tránh khỏi, nhưng nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là không có thêm chuyến hàng nào từ Nga, vì vậy không có tiền chảy vào Nga”.
Trong khi đó, trước đó, người phát ngôn của Transneft Igor Demin lưu ý, “khối lượng dầu từng chảy từ Nga sang Đức không thể thay thế bằng Kazakhstan”. Ông giải thích, trong khi Nga từng vận chuyển tới 20 triệu tấn dầu mỗi năm đến Đức và 10 triệu tấn khác đến Ba Lan qua đường ống Druzhba, thì Kazakhstan chỉ có thể bơm 3-7 triệu tấn mỗi năm.