Già hóa dân số một cách nhanh chóng và người dân bị vắt kiệt sức lao động đang là hai vấn đề nan giải tại xứ kim chi. Thế hệ trẻ - những người lao động đóng thuế - phải gồng mình nhiều hơn để hỗ trợ nhóm người về hưu ngày càng gia tăng, theo ABC News.
Hiện tại, Hàn Quốc là nơi người dân phải làm việc tối đa 52 giờ/tuần, nhiều thứ 5 trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức vì Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Thậm chí, quốc gia này còn có một thuật ngữ “gwarosa” ám chỉ cái chết vì làm việc quá sức.
Mới đây, chính phủ Hàn Quốc đề xuất kéo dài thời gian làm việc lên 69 giờ/tuần, cùng với lập luận người lao động sẽ làm thêm giờ để đổi lấy kỳ nghỉ phép dài hơn.
Động thái này vấp phải sự phản đối gay gắt của thế hệ MZ - nhóm người thuộc thế hệ Millennial (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012. Đặc biệt, nữ giới cho rằng biện pháp này chỉ khuyến khích định kiến lạc hậu: phụ nữ nên ở nhà nội trợ.
Bởi lẽ, khi các ông chồng bị “mắc kẹt” tại văn phòng lâu hơn, những người vợ phải gánh vác thêm nhiều việc hoặc từ bỏ sự nghiệp, dành thời gian chăm sóc gia đình.
Chấp nhận đánh đổi
Để đủ sức đương đầu với những vất vả của người làm mẹ, Kim Sae Hee lo lắng mình sớm phải từ bỏ công việc yêu thích.
Vợ chồng Sae Hee vốn cho rằng cả hai có đủ khả năng vừa nuôi con, vừa phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, sau khi con gái chào đời và cô quay trở lại làm việc, dự định sinh con thứ hai hoàn toàn biến mất.
Chồng dành nhiều giờ trên văn phòng buộc Sae Hee phải tự xoay sở thêm những việc ở nhà.
“Tôi phải quán xuyến nhiều việc hơn. Cứ như vậy, cơ hội thăng tiến sự nghiệp càng bị thu hẹp. Những ngày có công chuyện, người lớn phải nghỉ việc để trông con nhỏ, người ở nhà luôn là các mẹ. Phụ nữ từ trước tới nay luôn mặc định như vậy”, cô chia sẻ.
Ngoài ra, nơi Sae Hee làm việc không có chế độ nghỉ phép chăm sóc người bệnh. Nếu con gái bị ốm, cô chỉ có thể xin vắng theo diện nghỉ phép năm. Bà mẹ một con mong muốn người lao động được tạo điều kiện hơn để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình.
Không muốn như Sae Hee, tương lai có thể phải ở nhà chăm sóc con cái, Song Yeon Jeong, sinh viên kiến trúc, sẵn sàng không sinh con vì lo sợ sự nghiệp bị ảnh hưởng.
“Đối với thế hệ trước, kết hôn và sinh con là chuyện đương nhiên, song ở thời đại này, đó chỉ là một lựa chọn. Chúng tôi thoải mái nói về việc không muốn có con”, cô nói.
Yeon Jeong cũng cho biết việc mọi người vùi đầu vào công việc đang trở thành nền văn hóa mới tại xứ kim chi.
“Chúng ta không còn cách nào khác ngoài tiếp tục vắt kiệt chính mình”, nữ sinh chia sẻ.
Năm 2022, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc - số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến có trong đời - thấp nhất thế giới với con số 0.78 và thậm chí còn đang giảm dần.
Vẫn còn trở ngại
“Văn hóa phân biệt giới tính vẫn tồn tại, gây ra nhiều khó khăn cho nữ giới, khiến nhiều người sợ hãi và không muốn có con. Do đó, việc cải thiện văn hóa nơi làm việc rất quan trọng”, Chung Huyn Back, cựu Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, chia sẻ.
Năm 2022, BBC đưa tin một nữ nhân viên ngân hàng tại xứ kim chi phải kiêm cả công việc làm bữa trưa và giặt khăn lau tay cho đồng nghiệp nam.
Ban đầu cô lịch sự từ chối lời đề nghị. Tuy nhiên, cô gái không dám trái ý sếp khi bị hỏi ngược lại: "Chẳng lẽ đàn ông phải làm việc này?".
Khảo sát 1.000 người của CNN vào tháng 6/2022 cho thấy gần 30% nhân viên văn phòng Hàn Quốc từng bị quấy rối tại nơi làm việc, trong đó nạn nhân chủ yếu là nữ giới hoặc những người làm việc bán thời gian.
“Phần lớn phụ nữ hiện nay làm công việc thời vụ với mức lương thấp”, bà Chung nói thêm.
Năm 2021, nghiên cứu của OECD cho thấy thu nhập của phụ nữ Hàn Quốc thấp hơn đàn ông 31.1%, trong khi mức trung bình là 12%. Đây là quốc gia có chênh lệch lương theo giới cao nhất kể từ năm 1996.
Ngoài ra, tỷ lệ phái nữ tham gia lực lượng lao động là 53%, so với 72% nam giới.
Bên cạnh đó, bà Chung cho biết sau thời gian nghỉ sinh, phụ nữ cảm thấy giá trị của họ bị hạ thấp, thường xuyên phải làm các công việc tay chân.
Thực tế có không ít các phong trào ủng hộ nữ quyền ở Hàn Quốc như Me Too hay "escape the corset" (tạm dịch "thoát khỏi áo nịt ngực") năm 2019.
Tuy nhiên, làn sóng đấu tranh này cũng là nguyên nhân hội nhóm chống nữ quyền - những người coi nam giới là nạn nhân của sự phân biệt đối xử ngược - trỗi dậy mạnh mẽ.
Đây là vấn đề mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề cập khi ông đắc cử vào đầu năm 2022. Chính phủ xứ kim chi tuyên bố bãi bỏ Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình - cơ quan hỗ trợ phụ nữ và nạn nhân của các vụ tấn công tình dục - vì cho rằng Bộ đang đối xử với đàn ông như “tội phạm tình dục tiềm năng”.