.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hiện nay cách tính mức hưởng lương hưu của hai khu vực nhà nước và tư nhân có sự khác biệt với nhau.
Khác biệt trong cách tính, mức hưởng lương hưu có sự chênh lệch
Người lao động làm việc toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thì mức hưởng lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân tiền lương tháng đóng bảo xã hội của toàn bộ thời gian mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, đối với cán bộ, công chức có chế độ lương do nhà nước quy định có toàn bộ thời gian làm việc tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ lương nhà nước, thì sẽ tùy vào các mốc thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mà sẽ tính lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội theo mức 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 25 năm cuối đóng bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với trường hợp cán bộ công chức tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì bình quân lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được thực hiện dựa trên toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo các chuyên gia, có sự khác biệt rõ rệt về mức hưởng lương hưu của người lao động tại khối tư nhân và cán bộ công chức nhà nước. Tiền lương hưu của người lao động khối tư nhân sẽ dao động theo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mà họ tham gia trong toàn bộ thời gian. Trong khi đó, đối với cán bộ công chức thì sẽ phụ thuộc vào những năm cuối mà họ tham gia bảo hiểm xã hội.
Đối với cán bộ công chức sẽ có thêm chế độ thâm niên, do đó tiền lương vào những năm cuối tham gia bảo hiểm xã hội có thể sẽ cao hơn người lao động, công nhân tại các công ty tư nhân.
Do đó, việc tính mức hưởng lương hưu dựa trên lương bình quân của thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như quy định hiện nay, sẽ dẫn đến những trường hợp cùng một khoảng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tiền lương hưu của cán bộ công chức là cao hơn người lao động.
Khó để cào bằng giữa hai khu vực
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có sự khác biệt này là do việc chi trả lương của người lao động ở khu vực công do ngân sách nhà nước đảm bảo, còn lao động khu vực tư nhân do doanh nghiệp thực hiện.
Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết, với cách tính lương hưu của người lao động khối doanh nghiệp theo cả quá trình, và với người lao động khu vực nhà nước chỉ tính một số năm cuối cũng là một cách tính hợp lý. Bởi lương của người lao động khối doanh nghiệp là căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hàng năm, còn lương của người lao động khối Nhà nước, người có trình độ đại học cũng chỉ tính theo bậc với mức khởi điểm chỉ là 2,34.
Trong khi đó, lương tối thiểu cho người lao động khu vực doanh nghiệp chưa qua đào tạo như hiện nay cũng là 4,6 triệu đồng ở khu vực 1. Hơn nữa, lương của người lao động khối doanh nghiệp được điều chỉnh tăng hàng năm, còn khu vực nhà nước thì 3 năm mới điều chỉnh tiền lương một lần.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, có sự khác biệt này là bởi quá trình điều chỉnh chính sách trong lịch sử, song nếu nhìn nhận một cách khách quan thì điều này cũng không hẳn là không công bằng.
“Mức lương khởi điểm tính theo hệ số của cán bộ, công chức, viên chức, những người làm trong khu vực nhà nước rất thấp, và định kỳ 3 năm mới được điều chỉnh tăng lương một lần, thường giai đoạn cuối tiền lương mới cao hơn chút”, bà Hương nhìn nhận.
Còn với khu vực tư nhân, mức lương tính dựa trên sự thỏa thuận, đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng, hiện là từ hơn 3,2 triệu đồng tới hơn 4,6 triệu đồng/tháng. Theo vị chuyên gia, trên thực tế, có nhiều lao động ở doanh nghiệp khu vực tư nhân có mức đóng bảo hiểm xã hội cao, đóng trên tổng tiền lương thì khi người lao động về hưu tiền lương hưu cũng sẽ cao hơn.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn còn bất cập. Đó là việc các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã phân chia tiền lương của người lao động thành các khoản khác nhau để tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập là thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán, và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.
Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.