Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong năm 2022 vừa qua, bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã đạt được như tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, lạm phát bình quân 3,15%, các chỉ tiêu liên quan lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng đã được kiểm soát ổn định. Trong đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, Đồng Việt Nam mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực, thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...
Đáng chú ý, số liệu mới nhất của NHNN cũng cho biết tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 đã đạt 14,5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (2018-2022).
Với mức tăng trưởng tín dụng này, toàn hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng thông qua kênh tín dụng năm vừa qua. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo ghi nhận ngày 21/12/2022 trước đó, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết tín dụng toàn hệ thống mới tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối cùng của năm 2022, đã có hơn 170.000 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân cho vay ròng với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 1,63 điểm %.
Dù vậy, nếu so với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm được NHNN điều chỉnh lên 15,5-16%, mức tăng trưởng tín dụng năm vừa qua vẫn thấp hơn 1-1,5 điểm %, tương đương 100.000-150.000 tỷ đồng.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng bức tranh tín dụng năm qua đã chia thành hai màu rõ rệt, tăng mạnh nửa đầu năm và giảm nhiệt vào cuối năm, trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Theo SSI, chính sách tiền tệ xuyên suốt năm 2022 vẫn linh hoạt với xu hướng thắt chặt, tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm. Thực tế, từ tháng 10/2022, khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.
Trong năm 2023, SSI cho rằng mục tiêu điều hành của NHNN sẽ không có nhiều thay đổi. Theo đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục căn cứ vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cho rằng với mặt bằng lãi suất đang ở mức cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế trong năm tới dự báo gặp nhiều khó khăn, chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tiếp tục chậm lại trong khoảng 11-12%. Các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới chỉ tiêu này là thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng.
Áp lực lạm phát cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại. Năm 2023, lạm phát được dự báo vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ y tế, vận tải công cộng.
Ngoài ra, căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng sẽ làm tăng trưởng tín dụng chậm lại. Theo VNDirect, tính đến cuối quý III/2022, các ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số nhà băng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ vào khoảng 11-12% với nguyên nhân chính là cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.